'Báo con' vô tình khiến mẹ thủng màng nhĩ, nhập viện gấp chỉ vì trò chơi quen thuộc của biết bao đứa trẻ

Tai nạn xảy ra ngay trong chính căn nhà khi hai mẹ con đang chơi đùa. Sau cú sút bất ngờ trúng vùng đầu và tai, người mẹ rơi vào tình trạng đau nhức, ù tai suốt đêm và phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng màng nhĩ thủng rộng, giảm thính lực rõ rệt.

Cú đá vô tình khiến mẹ đau đầu, ù tai suốt đêm

Theo thông tin từ Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 (TP.HCM), chị L. (35 tuổi) đã phải nhập viện sau khi bị con trai 5 tuổi sút bóng trúng vùng đầu và tai trái trong lúc chơi đùa tại nhà vào tối hôm trước.

Sau va chạm, chị choáng váng, đau nhức dữ dội vùng đầu và tai trái. Triệu chứng ù tai và giảm khả năng nghe kéo dài khiến chị phải đến cơ sở y tế để thăm khám vào sáng hôm sau.

Bác sĩ CKI Nguyễn Tri Minh Trí, Đơn vị Tai Mũi Họng, cho biết qua nội soi tai mũi họng ghi nhận màng nhĩ trái của chị L. có một lỗ thủng khá rộng, vị trí gần rìa ở phần 1/2 trước màng nhĩ. May mắn, khoang sau màng nhĩ khô, không viêm, mũi và họng không có dấu hiệu bất thường. Kết quả đo thính lực cho thấy chị bị nghe kém dẫn truyền tai trái độ II.

"Báo con" vô tình khiến mẹ thủng màng nhĩ, nhập viện gấp chỉ vì trò chơi quen thuộc của bao đứa trẻ. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh

"Báo con" vô tình khiến mẹ thủng màng nhĩ, nhập viện gấp chỉ vì trò chơi quen thuộc của bao đứa trẻ. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Trí giải thích, màng nhĩ là lớp màng mỏng, dày khoảng 0,1mm, đóng vai trò truyền âm thanh và bảo vệ tai giữa khỏi vi khuẩn, bụi bẩn, nước. Tai giữa là khoang kín, được ngăn cách với tai ngoài bởi màng nhĩ, kết nối với mũi qua vòi Eustache, bộ phận giúp cân bằng áp suất hai bên màng nhĩ.

Khi quả bóng va đập mạnh vào tai, một sóng áp lực lớn được tạo ra, dồn lên màng nhĩ. Nếu vòi Eustache không kịp mở ra để điều hòa áp suất, sự chênh lệch đột ngột sẽ làm rách màng nhĩ. Tình huống này tương tự như khi tai bị tát mạnh hoặc tiếp xúc với âm thanh lớn bất ngờ như tiếng bom nổ.

Ngoài ra, các tổn thương cơ học trực tiếp như dùng tăm bông chọc sâu vào tai cũng có thể gây thủng màng nhĩ. Trong nhiều trường hợp, áp lực mạnh còn ảnh hưởng đến chuỗi xương con trong tai giữa (xương búa, đe, bàn đạp), làm giảm thính lực nghiêm trọng hơn.

Các dấu hiệu thường gặp khi bị thủng màng nhĩ gồm: đau nhói, ù tai, nghe kém, đau sâu trong tai, chảy máu tai, chóng mặt nếu tổn thương lan tới hệ thống tiền đình ốc tai.

Cần theo dõi sát và chăm sóc tai đúng cách

May mắn, với trường hợp của chị L., bác sĩ Trí cho biết lỗ thủng có khả năng tự lành vì không kèm viêm nhiễm. Chị được kê thuốc điều trị, dặn dò theo dõi sát sao các triệu chứng như đau tai, chảy mủ, ù tai tăng nặng và tái khám định kỳ.

Hai tuần sau, chị L. tái khám, kết quả nội soi tai cho thấy lỗ thủng đã thu nhỏ đáng kể, các triệu chứng như ù tai và nghe kém cũng cải thiện rõ rệt. Chị tiếp tục được hướng dẫn chăm sóc và theo dõi thêm.

Tuy nhiên, với các trường hợp lỗ thủng không tự lành, hoặc viêm tai giữa tái đi tái lại do vi khuẩn, bụi bẩn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật vá nhĩ để phục hồi chức năng màng nhĩ.

Bác sĩ Trí khuyến cáo, các chấn thương vùng tai có thể gây tổn thương nghiêm trọng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Sau khi va chạm, nếu có biểu hiện như đau nhói, ù tai, nghe kém, đặc biệt sau khi bơi lội hay chơi thể thao, người dân nên đến khám chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Tuyệt đối không tự ý ngoáy tai, nhỏ thuốc, hay để nước vào tai nếu có chảy máu, chảy dịch. Việc giữ tai khô ráo và tái khám đúng lịch hẹn là điều rất quan trọng để ngăn ngừa biến chứng như viêm tai giữa, viêm xương chũm, thậm chí mất thính lực vĩnh viễn.

NB (T/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/bao-con-vo-tinh-khien-me-thung-mang-nhi-nhap-vien-gap-chi-vi-tro-choi-quen-thuoc-cua-biet-bao-dua-tre-19730.html