Báo Công Thương nêu kiến nghị nâng cao chất lượng thông tin
Tham luận tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năm 2025, Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh nêu 4 kiến nghị trọng tâm.
Khó khăn trong tiếp cận dự án truyền thông chính sách
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh cho biết, lực lượng làm công tác truyền thông của ngành Công Thương đã trải qua nhiều lần sáp nhập, qua nhiều cuộc ''cách mạng''. Như Báo Công Thương đã được sáp nhập từ 4 tờ báo khác nhau năm 2007, đến nay sau 8 năm, con số từ ngày đầu sáp nhập gần 400 người, đến nay còn 110 người.
Đáng chú ý, cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ Công Thương đã trải qua lịch sử 80 năm xây dựng và trưởng thành. Dịp 21/6/2024 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gặp gỡ khối báo chí truyền thông và công bố sự kiện lấy ngày 2/10/1945 - ngày Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà ký Nghị định số 08-BKT/VP về tổ chức bộ máy và hoạt động của Bộ Quốc dân Kinh tế, trong đó Phòng Kinh tế tập san có nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san (cơ quan tiền thân đầu tiên của Báo Công Thương) là Ngày truyền thống của Báo Công Thương.
Đến nay, qua nhiều lần sáp nhập, lực lượng làm công tác báo chí, xuất bản, truyền thông của Bộ còn rất đông đảo, với 6 đầu mối chính: Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Nhà xuất bản Công Thương, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Phòng Thông tin truyền thông (thuộc Văn phòng Bộ), Trung tâm Truyền hình Công Thương (thuộc Cục Xúc tiến thương mại). “Chưa kể lực lượng làm công tác thông tin, tuyên truyền của các đơn vị khác, riêng 6 đầu mối trên chiếm khoảng hơn 300 người, là một lực lượng rất quan trọng trong công tác truyền thông của ngành”, Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh khẳng định.
Tổng Biên tập Báo Công Thương cho hay, đứng trước nhiệm vụ trong năm 2025 với các chỉ tiêu kinh tế mà Chính phủ giao cho Bộ cao hơn trước thì công tác thông tin tuyên truyền được xác định rất quan trọng. Ngoài những mặt thuận lợi như được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, sự ổn định thì các cơ quan báo chí, truyền thông cũng còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Trước hết, đối với vấn đề tinh gọn bộ máy, mặc dù cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ cơ bản không phải giải thể hay bị tác động mạnh như các cơ quan của Bộ ngành khác, nhưng Nghị định 178 của Chính phủ yêu cầu phải tinh gọn từ bên trong, các đơn vị tinh gọn tối thiểu ít nhất 20% quân số và khoảng từ 15 - 20% về đầu mối. Điều này đối với đơn vị sự nghiệp công lập như Báo Công Thương khó thực hiện theo Nghị định vì khó khăn về tài chính.
Bên cạnh đó, những năm qua, đặc biệt trong năm 2024, các dự án truyền thông chính sách đều bị cắt giảm nhiều, trong đó có cả cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ cũng giảm khoảng 30% đã tác động không nhỏ đến thu nhập, đời sống của viên chức và người lao động, cơ quan truyền thông.
Ngoài ra, những vấn đề như: Quy định thủ tục, định mức kinh tế, kỹ thuật, về thanh toán, các quy định còn nhiều bất cập... dẫn đến khó khăn cho cơ quan báo chí trong tiếp cận các dự án truyền thông chính sách.
4 kiến nghị về công tác tuyên truyền
Để làm tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền trong giai đoạn mới, Tổng Biên tập Báo công Thương kiến nghị 4 vấn đề trọng tâm:
Thứ nhất, đề nghị Lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các cơ quan của Bộ quan tâm, tăng cường hơn nữa dự án truyền thông chính sách, đặt hàng với cơ quan truyền thông của Bộ. Đồng thời, xây dựng thêm đề án, dự án truyền thông mới liên quan đến các vấn đề như: Điện hạt nhân, triển khai Luật Điện lực sửa đổi, Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất hay các FTA mới… nhằm tạo thêm nguồn kinh phí cho cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ hoạt động
Thứ hai, về vấn đề cung cấp thông tin theo Luật Báo chí, những năm vừa qua, với sự chỉ đạo, quan tâm của Bộ trưởng, các lĩnh vực thuộc Bộ đã có chuyển biến tốt trong cung cấp định kỳ thông tin hàng tháng cho Văn phòng Bộ. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền tốt hơn, các đơn vị cần nâng cấp việc cung cấp thông tin cho Văn phòng Bộ hàng tuần. Đặc biệt, với cơ quan báo chí của Bộ hay trên trang website của các cục, vụ phải cung cấp thông tin hàng ngày thì mới đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền.
“Thực tế hiện nay chúng tôi tìm hiểu, rà soát và thấy rằng nhiều đơn vị thuộc Bộ đã làm khá tốt trong việc cung cấp thông tin trên các trang website. Song cũng có đơn vị thông tin trên trang website rất ít, mờ nhạt, hình ảnh lãnh đạo Bộ chưa cập nhật đầy đủ… Đó chưa kể đến một số cục, vụ thậm chí còn chưa có website”, Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh nêu thực trạng.
Lãnh đạo Báo Công Thương kiến nghị, thời gian tới, các đơn vị trong bộ nên tăng cường cung cấp thông tin trên trang website. Đây là chất liệu cho báo chí, truyền thông không chỉ của Bộ mà các đơn vị báo chí ngoài cũng sẽ vào khai thác tốt hơn.
Thứ ba, qua rà soát, tìm hiểu còn thấy hiện nay một số trang website của các cục, vụ và đơn vị trực Bộ chưa thực hiện đầy đủ qui định tại Nghị định 42 năm 2022 của Chính phủ về cổng thông tin và trang thông tin điện tử của các đơn vị.
Tổng Biên tập Báo Công Thương kiến nghị lãnh đạo Bộ cho phép tổ chức riêng một hội nghị để rà soát, đánh giá, tìm giải pháp để nâng cao chất lượng của cổng thông tin của Bộ cũng như các trang website của các cục, vụ.
Thứ tư, đề nghị lãnh đạo Bộ quan tâm bố trí phòng làm việc cho phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo Báo Công Thương cũng như các tạp chí, trung tâm thông tin có nơi làm việc tại khu vực Hai Bà Trưng và Ngô Quyền để tiếp cận các cuộc họp của lãnh đạo Bộ được tốt hơn.
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh: Thời gian tới, các đơn vị trong bộ nên tăng cường cung cấp thông tin trên trang website. Đây là chất liệu cho báo chí, truyền thông không chỉ của Bộ mà các đơn vị báo chí ngoài cũng sẽ vào khai thác tốt hơn.