Hải quan phản hồi sau khi hàng loạt doanh nghiệp đề nghị xem xét lại cách áp thuế
Đại diện cơ quan hải quan cho biết, đã nhận được thông tin phản ánh của các hiệp hội và doanh nghiệp, đang nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh mức thuế ưu đãi cho tất cả mặt hàng khô dầu đậu tương.
Sau khi có đơn kiến nghị của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai và 15 doanh nghiệp, tập đoàn trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT, đề nghị xem xét lại cách áp thuế đối với mặt hàng khô dầu đậu tương nhập khẩu làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, Tổng cục Hải quan đã có thông tin phản hồi.
Trước đó, Báo SGGP đã thông tin, Nghị định 144/2024/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16-12-2024, quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng khô dầu đậu tương (mã số 23040090) được giảm từ 2% xuống 1%.
Tuy nhiên, một số chi cục hải quan ở phía Nam lại áp dụng mã số 23040029 với thuế suất 2% cho các lô hàng nguyên liệu này, khiến các doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế suất 1% như quy định.
Liên quan đến kiến nghị này, bà Đào Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), giải thích, mã 23040090 (có thuế ưu đãi) được áp dụng cho các dạng khô dầu đậu tương đã qua xử lý như bột mịn, dạng viên hoặc khối, với thuế suất 1%. Trong khi đó, mã 23040029 dành cho dạng bột thô, vẫn đang chịu thuế suất 2%.
Bà Hương khẳng định, cơ quan hải quan địa phương đã thực hiện đúng quy định hiện hành, nhưng sự khác biệt trong cách phân loại theo quy định đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận ưu đãi thuế.
Để giải quyết vấn đề, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) nghiên cứu điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mã hàng hóa 23040029 từ 2% xuống 1%. Đề xuất này nhằm đảm bảo tất cả các dạng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi, bao gồm dạng bột thô và các dạng khác, đều được áp dụng mức thuế ưu đãi như nhau.
Công văn kiến nghị điều chỉnh thuế suất cũng đã được gửi Bộ Tài chính, thể hiện tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu trong bối cảnh ngành chăn nuôi vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp và dư luận kỳ vọng những điều chỉnh kịp thời từ phía cơ quan quản lý sẽ tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực thi hiệu quả, đúng mục tiêu. Việc áp dụng đồng nhất mức thuế suất 1% cho tất cả các dạng khô dầu đậu tương sẽ thúc đẩy sản xuất, ổn định giá cả và đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi.