Báo Đại biểu Nhân dân dâng hương tri ân các anh hùng Liệt sĩ tại Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023), Đoàn công tác của Báo Đại biểu Nhân dân do Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền dẫn đầu đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị); Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đường 20 Quyết Thắng, Hang Tám Cô và viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tỉnh Quảng Bình); Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) và Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (tỉnh Nghệ An).
Tại Quảng Trị, Đoàn công tác của Báo Đại biểu Nhân dân đã thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 (phường 4, TP Đông Hà) - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của 10.700 anh hùng liệt sỹ của cả nước đã chiến đấu anh dũng hi sinh trên chiến trường Quảng Trị và làm nhiệm vụ cao cả tại nước bạn Lào. Đồng thời, Đoàn cũng đến Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn (tại khu đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh), tri ân tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc…
Đoàn cũng đã tới dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ trong trận chiến 81 ngày đêm hè năm 1972. Đây là cuộc chiến đấu góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến đấu ấy, hàng nghìn chiến sĩ giải phóng quân trên khắp cả nước và đồng bào Quảng Trị đã hy sinh anh dũng, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này.
Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền và Đoàn công tác đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân. Sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ sẽ trường tồn cùng non sông, đất nước. Với đạo lý ‘‘uống nước nhớ nguồn’’, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây’’, các thế hệ công chức, viên chức và người lao động của Báo Đại biểu Nhân dân nguyện phấn đấu, nỗ lực hết mình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20 Quyết Thắng, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền cùng các thành viên trong Đoàn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước… Cũng tại đây, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền đã dâng hương, hoa tại Hang Tám Cô - nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng, bi tráng của các chiến sỹ binh chủng pháo binh và 8 chiến sỹ thanh niên xung phong (TNXP) - những con người gan dạ, can đảm, không quản mưa bom bão đạn, đảm nhận công việc xẻ núi mở đường trên tuyến đường trọng điểm Km16, Đường 20 Quyết Thắng - con đường huyết mạch nối liền Đông Trường Sơn – Tây Trường Sơn đưa chi viện từ Bắc vào Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Đến dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, người đã gắn bó trọn đời với sự nghiệp cách mạng, có nhiều đóng góp và công lao to lớn đối với độc lập tự do của dân tộc và sự trường tồn, phát triển của đất nước…, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền và Đoàn công tác nguyện luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng vững mạnh.
Tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) và Khu di tích lịch sử Truông Bồn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền và Đoàn công tác đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân… Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền và Đoàn công tác nguyện tiếp tục đoàn kết một lòng, nỗ lực hết mình, hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn - nút giao thông rất quan trọng trong thời kỳ chiến tranh, bị đế quốc Mỹ ra sức đánh phá nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch, chặn đứng sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực... của hậu phương lớn miền Bắc cho miền Nam… Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10.1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. 10 cô gái thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ thông tuyến đường sau khi bị địch đánh phá dữ dội. Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1989; được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt vào ngày 9.12.2013.
Truông Bồn - mảnh đất thiêng liêng, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi máu của đồng chí, đồng bào đã đổ xuống trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, nơi in dấu của tuổi xanh sục sôi chiến đấu của hàng vạn thanh niên xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. 1.240 người con ưu tú đã ngã xuống cung đường huyền thoại Truông Bồn, tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 317 ngày 31.10.1968. Truông Bồn hôm nay đã trở thành biểu tượng của Thanh niên xung phong Việt Nam, nơi lưu giữ vẹn toàn giá trị sống của thế hệ thanh niên quyết hi sinh tất cả cho độc lập của Tổ quốc.
Nhân dịp này, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền và Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà các gia đình thương bệnh binh, liệt sĩ.