Bảo đảm an ninh cơ sở

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, muốn phát triển cần ổn định và vụ xảy ra tại Đăk Lăk vừa qua cho thấy không thể coi thường việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Những năm qua, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò nòng cốt là lực lượng công an, quần chúng nhân dân được tập hợp vào các phong trào, điển hình là phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự ở cơ sở, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT - XH.

Với phương châm dựa vào dân để bảo đảm an ninh, trật tự, các diễn đàn: “Lắng nghe ý kiến nhân dân”; “Nhân dân tố giác tội phạm”; “Mặt trận lắng nghe dân nói”; “Nói cho dân nghe và lắng nghe dân nói”; “Ngày nghe dân nói”; “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”... đã thực sự trở thành nơi để nhân dân thể hiện vai trò làm chủ của mình đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là công tác bảo vệ an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự đều xuất phát từ địa bàn cơ sở. Ban đầu là những vấn đề mâu thuẫn xã hội, nếu không được phát hiện, giải quyết kịp thời, triệt để, sẽ tích tụ, phát triển thành “xung đột xã hội”, tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự, đe dọa sự ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tại Bắc Giang, nếu như trước đây an ninh, trật tự ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh thường nảy sinh vấn đề phức tạp thì hiện nay đáng lo ngại là địa bàn phát triển các khu, cụm công nghiệp. Chẳng mấy ngày không thấy báo chí đưa tin về tội phạm trộm cắp, cờ bạc, buôn bán ma túy, tệ nạn xã hội, tín dụng đen… xảy ra ở khu vực này.

Nguyên nhân là do số lượng công nhân từ các địa phương trong cả nước về đây tăng đột biến, có năm tăng hàng vạn người, trong khi đó lực lượng chức năng còn mỏng nên công tác quản lý, nhất là công tác bảo đảm an ninh, trật tự gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng như vậy, các cấp, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh, trật tự. Theo đó, lực lượng công an, quản lý thị trường, trật tự giao thông, đô thị được tăng cường về nhân lực và tần suất kiểm tra, kiểm soát; các đoàn thể tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chung tay bảo đảm an ninh, trật tự.

Về lâu dài, giải pháp căn cơ, bài bản đã được các đại biểu Quốc hội tán thành là xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Qua đó tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý và sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Luật này đề cao vai trò của nhân dân và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi đó là cầu nối, cánh tay nối dài của lực lượng công an xã chính quy. Với lý lẽ rằng, đối tượng chính được thụ hưởng chính sách là người dân, do vậy cần huy động sức dân tham gia, nhằm củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân, ngăn chặn từ sớm, từ xa nguy cơ mất an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trần Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/407545/bao-dam-an-ninh-co-so.html