Bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tại Quân khu 9, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) vừa phối hợp Quân khu 9 và Công an tỉnh An Giang tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: 'Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) với quốc phòng - an ninh và đối ngoại ở Việt Nam trong bối cảnh mới'. Ngoài lãnh đạo Quân khu 9, buổi tọa đàm quy tụ các nhà khoa học, đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh An Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ. Trong đó, An Giang với 6 giải pháp bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), phục vụ phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

Buổi tọa đàm, ngoài 8 bài tham luận của các đơn vị có liên quan được thông qua, các đại biểu còn được nghe Công an tỉnh phát biểu 2 bài tham luận.

Cụ thể, đặc điểm của An Giang là một trong những vùng trọng điểm về nông nghiệp và an ninh lương thực của cả nước; cơ cấu kinh tế, lao động chuyển dịch tích cực; nhiều dự án công nghiệp, năng lượng đi vào hoạt động, kết cấu hạ tầng, KTXH không ngừng được đầu tư xây dựng và cải thiện, chỉnh trang đô thị; góp phần thay đổi diện mạo và phát triển KTXH của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được đẩy mạnh; ANTT được giữ vững và tăng cường, nhất là an ninh chính trị, an ninh biên giới, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân không ngừng được củng cố, mở rộng.

Bên cạnh kết quả đạt được, trên địa bàn An Giang còn tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực và khó khăn. Trong đó, các thế lực thù địch, chống đối trong và ngoài nước triệt để lợi dụng Internet, các trang mạng xã hội xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam, để kích động phản đối chính quyền.

Tội phạm trật tự xã hội không ngừng gia tăng, tội phạm buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, ma túy, môi trường, tệ nạn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp với một số phương thức, thủ đoạn mới, nhất là tội phạm có tổ chức, hoạt động "tín dụng đen"; băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen"; tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia; tội phạm sử dụng công nghệ cao… đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm ANTT, phục vụ phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

Quang cảnh tọa đàm

Quang cảnh tọa đàm

Đại tá Lê Phú Thạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang nêu 6 giải pháp cụ thể: “Sự kết hợp phát triển KTXH với quốc phòng - an ninh và đối ngoại phải toàn diện, cơ bản và lâu dài ngay từ trong quy hoạch chiến lược, kế hoạch phát triển KTXH và củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, đối ngoại; phải tiếp tục bám sát và tham mưu thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Bộ Công an và Công an tỉnh thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương về thực hiện song song 2 nhiệm vụ này. Từ đó, huy động sức mạnh toàn dân, cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu gắn kết hài hòa công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh và đối ngoại trong từng nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh trong tình hình mới”.

Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, phân tích, đánh giá và dự báo sớm những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế tài chính thế giới, khu vực đến nền kinh tế của đất nước, của tỉnh để làm cơ sở tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chính sách KTXH. Tăng cường quản lý nhà nước về ANTT trên các lĩnh vực kinh tế; phối hợp thẩm định, giám sát các chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài vào địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh.

Rà soát, đánh giá hiệu quả quy chế phối hợp đã ký với các ban, ngành để đề xuất sửa đổi, bổ sung; xây dựng mới các quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, bảo vệ bí mật nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm; các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng, tài chính, tiền tệ.

Tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; đấu tranh có hiệu quả với các hành vi trốn thuế, chuyển giá, thâu tóm, thao túng thị trường, rửa tiền, tham nhũng, buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả, gian lận thương mại, “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao... Phòng ngừa, giải quyết kịp thời, các vấn đề bức xúc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH địa phương; các vấn đề phức tạp nảy sinh liên quan đến ANTT ngay từ đầu và tại cơ sở, nhất là các vụ việc liên quan tranh chấp, khiếu kiện, đình công, lãn công không để hình thành “điểm nóng” về ANTT…

Ngoài ra, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo hành lang pháp lý phục vụ công tác kết hợp phát triển KTXH với quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Tham mưu, đề xuất xây dựng các đề án, phương án, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh kinh tế, tài chính tiền tệ, năng lượng, môi trường, du lịch, lương thực, thủy sản, thông tin mạng. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xây dựng và củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc, tôn giáo.

Bên cạnh kết hợp với những giải pháp của các nhà khoa học, nhiều đại biểu đã làm rõ những vấn đề từ thu thập tài liệu, số liệu liên quan đến sự cần thiết phải kết hợp phát triển KTXH với quốc phòng - an ninh và đối ngoại ở khu vực ĐBSCL nói chung và trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng trong bối cảnh mới.

K.HƯNG - B.THÀNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/bao-dam-an-ninh-trat-tu-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-a378174.html