Bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống các tệ nạn mê tín dị đoan, cờ bạc trong các hoạt động lễ hội

Việc tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025 gắn với các hoạt động lễ hội bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán của địa phương.

Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành diễn ra vào trung tuần tháng Giêng hàng năm

Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành diễn ra vào trung tuần tháng Giêng hàng năm

Tỉnh Long An có 3 lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm Lễ hội Làm Chay (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành); Lễ hội vía Bà Ngũ Hành (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc); Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ).

Ngoài ra, còn có một số lễ hội gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân đến tham dự như lễ Vía Ông tại Miếu Quan Thánh Đế (phường 1, TP.Tân An); lễ hội Chùa Nổi (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng); lễ giỗ liệt sĩ tại Khu vực đồn Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng); lễ hội Kỳ yên tại các ngôi đình như đình Vĩnh Phong (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa), đình Bình Cang (xã Bình Cang, huyện Thủ Thừa), đình Phước Lý (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc), đình Chánh Tân Kim (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc), đình Tân Chánh và lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước), đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước), đình Phước Đông (xã Phước Đông, huyện Cần Đước),…

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa chỉ đạo, các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025 gắn với các hoạt động lễ hội bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán của địa phương.

Ngoài ra, ông yêu cầu, các cấp, các ngành phối hợp kiểm tra thường xuyên, liên tục trước, trong và sau khi kết thúc lễ hội; xây dựng kế hoạch chi tiết; bảo đảm an ninh, trật tự, công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm; không để xảy ra các hành vi phản cảm, chen lấn giành cướp lộc, các tệ nạn mê tín dị đoan, ăn xin, cờ bạc hoặc cờ bạc trá hình trong khu vực diễn ra lễ hội.

Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm tràn lan gây tốn kém, lãng phí.

“Yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công để tham gia lễ hội trong giờ hành chính, ngoại trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ” - ông Phạm Tấn Hòa chỉ đạo./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bao-dam-an-ninh-trat-tu-va-phong-chong-cac-te-nan-me-tin-di-doan-co-bac-trong-cac-hoat-dong-le-hoi-a188638.html