Bảo đảm an toàn, an ninh mạng: Cơ hội của doanh nghiệp Việt

Các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng khiến các tổ chức, doanh nghiệp phải tăng chi tiêu vào những biện pháp bảo vệ an ninh mạng. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm, giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Kỹ sư Tập đoàn Bkav vận hành một trung tâm giám sát an ninh mạng.

Kỹ sư Tập đoàn Bkav vận hành một trung tâm giám sát an ninh mạng.

Mã độc tống tiền doanh nghiệp tăng 59%

Báo cáo của Hãng phân tích Chainalysis (trụ sở tại Hoa Kỳ), trong 6 tháng qua, các nạn nhân của mã độc tống tiền (ransomware) trên toàn cầu đã phải chi trả gần 500 triệu USD cho tội phạm mạng. Chainalysis dự báo, nhiều khả năng thiệt hại từ mã độc tống tiền của năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023 (năm 2023 là 1,1 tỷ USD).

Tại Việt Nam, số liệu công bố ngày 26-8 của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho thấy, riêng số lượng dữ liệu bị tấn công mã hóa lên đến 3 Terabyte với tổng thiệt hại ước tính hơn 10 triệu USD. Còn theo Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), tỷ lệ doanh nghiệp, tổ chức bị tấn công ransomware tăng 59% và Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị tấn công mã hóa nhiều nhất thế giới trong 6 tháng qua.

Xu thế chuyển dịch hoạt động của con người lên môi trường mạng là không thể đảo ngược, song đi cùng với nó là nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin. Từ đó đòi hỏi người dùng, tổ chức, doanh nghiệp phải gia tăng biện pháp an toàn bảo mật cho chính mình.

Số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường Modor Intelligence (trụ sở tại Ấn Độ) cho biết, quy mô thị trường an ninh mạng toàn cầu ước tính đạt hơn 203 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt trên 350 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm) 11,44% giai đoạn 2024-2029.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023 doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng ước đạt 5.522 tỷ đồng, tăng 20%; nộp ngân sách nhà nước đạt 322,3 tỷ đồng, tăng 38,68%. 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng đạt 2.579 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ.

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu, năm 2024 tốc độ tăng trưởng doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng đạt 20%; Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng trong tốp 30 thế giới về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành “cường quốc an toàn thông tin mạng” với sứ mệnh bảo vệ sự thịnh vượng trên không gian mạng, làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam.

Theo phân tích của Giám đốc chiến lược Công ty An ninh mạng Viettel (Tập đoàn Viettel) Bùi Thị Hòa, trong 3 năm trở lại đây, có nhiều đợt tấn công mạng quy mô lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều doanh nghiệp, tổ chức. Chính vì vậy, nhu cầu về đầu tư giải pháp, dịch vụ an toàn thông tin mạng ngày càng gia tăng.

Tạo cơ hội cho sản phẩm, giải pháp trong nước

Những thông tin nêu trên đã phần nào phác thảo về thị trường an toàn thông tin mạng của Việt Nam. Điều đó cho thấy, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. Được biết, hiện các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng của doanh nghiệp trong nước đáp ứng 90% nhu cầu.

Theo Giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) Vũ Ngọc Sơn, doanh nghiệp Việt Nam cung cấp tương đối đủ về số lượng giải pháp, nhưng "tuổi đời" còn non trẻ so với các sản phẩm của thế giới. Trong khi đó, các sản phẩm an toàn, an ninh mạng cần phải trải qua quá trình người dùng sử dụng, phát sinh tình huống trong thực tế; sau đó, doanh nghiệp cải tiến, nâng cấp rồi phát hành phiên bản mới có chất lượng. Với các tổ chức lớn như ngân hàng, thường đòi hỏi mức độ "trưởng thành" của sản phẩm cao, nên họ sẽ chọn sản phẩm nước ngoài. Lợi thế của giải pháp, sản phẩm an ninh mạng của doanh nghiệp trong nước là rẻ hơn, thậm chí có giải pháp chỉ bằng 1/3 so với nước ngoài, do vậy sẽ có cơ hội cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam và là điều kiện để phát triển sản phẩm an ninh mạng Make in Viet Nam.

Ở góc độ là nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng có thị phần lớn nhất, bà Bùi Thị Hòa cho rằng, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội trong việc cung cấp dịch vụ an toàn thông tin tại Việt Nam vì các vụ tấn công mạng đòi hỏi việc xử lý sự cố tại chỗ và nhân sự an toàn thông tin có tri thức và kinh nghiệm nội địa, điều mà các nhà cung cấp nước ngoài khó có thể đáp ứng được. Thêm nữa, để bảo đảm an toàn thông tin một cách trọn vẹn, đòi hỏi không chỉ ở giải pháp cài đặt, còn yêu cầu giám sát và đưa ra cảnh báo kịp thời trước khi các cuộc tấn công xảy ra.

“Viettel đánh giá các doanh nghiệp, tổ chức luôn tìm kiếm các đơn vị cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt, bảo đảm nhân sự hỗ trợ tại chỗ và có kinh nghiệm xử lý sự cố tại thị trường Việt Nam, điều này là lợi thế hoàn toàn cho các doanh nghiệp nội địa”, bà Bùi Thị Hòa nhận định.

Đề xuất kiến nghị giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ an toàn, an ninh mạng trong nước, ông Vũ Ngọc Sơn cho biết, Chính phủ chủ trương "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chủ trương đó được cụ thể bằng việc ưu tiên mua sắm sản phẩm Việt Nam, trong đó có cả các giải pháp bảo đảm an ninh mạng. Tuy nhiên, quy định này mới dừng ở mức khuyến cáo và do doanh nghiệp, tổ chức lựa chọn… Vì vậy, Chính phủ nên sớm có quy định, với những sản phẩm mang tính truyền thống, các cơ quan nhà nước cần tuân thủ khuyến cáo “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, vì các giải pháp trong nước có mức độ tuân thủ quy định về an toàn thông tin cao hơn so với nước ngoài. Việc bắt buộc dùng giải pháp an ninh mạng trong nước sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn thu, từ đó phát triển được nguồn lực, sản phẩm.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bao-dam-an-toan-an-ninh-mang-co-hoi-cua-doanh-nghiep-viet-676163.html