Bảo đảm an toàn các tổ chức tín dụng
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chống sở hữu chéo, lợi ích nhóm để phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm và phòng ngừa rủi ro của các tổ chức tín dụng
Ngày 26-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12-2022. Phiên họp cho ý kiến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và đề nghị xây dựng các luật: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Thị trường hoạt động an toàn
Cho ý kiến về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tại phiên họp, các đại biểu làm rõ những nội dung liên quan quy định về cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; quy định về hoạt động cho vay và hoạt động gửi tiền giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các quy định liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng; hoạt động mua bán các loại chứng khoán khác không phải là cổ phiếu, trái phiếu…
Về dự án luật này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phải thiết kế công cụ để bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, minh bạch hóa thị trường. Chống sở hữu chéo, lợi ích nhóm để phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm và phòng ngừa rủi ro của các tổ chức tín dụng một cách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh theo đúng quy luật...
Đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), các thành viên Chính phủ thảo luận, góp ý các nội dung liên quan việc tích hợp thông tin cá nhân của công dân như tài sản, tài khoản ngân hàng, bảo hiểm, thông tin sinh trắc học vào tài khoản định danh điện tử của công dân. Nhất thể hóa, đồng bộ tài khoản định danh điện tử công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo vệ thông tin cá nhân; độ tuổi cấp căn cước công dân...
Về đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các đại biểu góp ý các nội dung liên quan việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn; tổ chức thực hiện và quản lý; trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn... Về dự án luật này, Thủ tướng lưu ý quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, mang tính ổn định, đồng bộ, có tính dự báo cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài, không ảnh hưởng tới môi trường, tránh quy hoạch treo, kết nối hợp lý giữa đô thị và nông thôn, quy hoạch khả thi, thực hiện hiệu quả.
Chú trọng truyền thông chính sách
Đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau, các nội dung mới, các nội dung phát sinh trên thực tiễn trong dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật như: độ tuổi về hưu của Công an nhân dân, số lượng sĩ quan cấp tướng...
Về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các thành viên Chính phủ phân tích, phân định rõ danh mục sản phẩm do công nghiệp quốc phòng bảo đảm và danh mục sản phẩm do công nghiệp an ninh sản xuất, tránh đầu tư trùng lặp; làm rõ những đánh giá tác động của các chính sách và các giải pháp thực hiện chính sách; làm rõ mối quan hệ giữa quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với các luật chuyên ngành khác…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, công sức, nguồn lực, có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; rà soát các công việc đã triển khai, rút kinh nghiệm với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội. Đặc biệt, phải chú trọng truyền thông chính sách trong cả quá trình xây dựng pháp luật và sau khi luật được ban hành đưa vào thực thi.
5 trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo
Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ rà soát chương trình công tác xây dựng pháp luật để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phân công các bộ, ngành triển khai, các Phó Thủ tướng phụ trách chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng các văn bản bảo đảm kịp thời về tiến độ, nâng cao về chất lượng.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sơ kết công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật năm 2022, trong đó có đánh giá cụ thể về 5 trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo: tăng cường vai trò người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư nguồn lực; thu hút, nâng cao chất lượng nhân lực.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/bao-dam-an-toan-cac-to-chuc-tin-dung-20221226221842582.htm