Bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng
Mùa hè năm 2023 đang diễn ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt, mức nhiệt cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng và khả năng phát triển của đàn vật nuôi, là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát. Trước tình hình đó, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực thực hiện tốt các giải pháp và khuyến cáo của ngành nông nghiệp để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.
Anh Ngô Đình Tuấn, xã Xuân Giang (Thọ Xuân) thực hiện phun nước lên mái để làm giảm nhiệt độ chuồng nuôi lợn.
Ngay từ thời điểm chuyển mùa, chưa có những đợt nắng nóng kéo dài, nhưng anh Ngô Đình Tuấn, xã Xuân Giang (Thọ Xuân) đã chủ động thực hiện các giải pháp chống nắng nóng cho đàn lợn rừng của gia đình. Anh Tuấn cho biết: “Khi thời tiết nắng nóng kéo dài, đàn lợn dễ phát sinh nhiều dịch bệnh, vì vậy, tôi đã gia cố lại chuồng trại, mở nhiều cửa sổ và lắp quạt thông gió để lưu thông không khí khi cần thiết. Đối với lợn, tắm từ 1 đến 2 lần/ngày, thức ăn đầy đủ khẩu phần và bổ sung thêm các loại vitamin, cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát tại những thời điểm nắng nóng kéo dài. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng được thực hiện định kỳ để giảm sức nóng bốc lên; định kỳ tiêm đầy đủ các loại vắc-xin như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh... cho lợn. Xung quanh chuồng nuôi, gia đình trồng thêm cây xanh để tạo bóng mát. Đặc biệt, vào những ngày nắng nóng cao điểm, cần đảm bảo thường xuyên lượng nước mát, sạch cho vật nuôi uống, bổ sung thêm muối ăn hoặc chất điện giải... Nếu nhiệt độ quá cao, cần thực hiện phun nước lên nóc chuồng nuôi để giảm nhiệt độ mái chuồng”.
Là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn, nhất là gà với nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vì vậy, trước khi bước vào mùa nắng nóng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách bảo vệ đàn gà trong những đợt nắng nóng kéo dài. Đơn vị cũng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật chăn nuôi và kiểm tra, hướng dẫn các chủ hộ chăn nuôi tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm. Bà Trần Thị Quân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định cho biết: Vào thời điểm nắng nóng lên tới 38 - 39 độ C, người chăn nuôi sẽ thấy hiện tượng gà ăn kém, ốm yếu, mất cân đối điện giải, rối loạn trao đổi chất... Vì vậy, cần phải chú ý điều chỉnh mật độ nuôi nhốt đối với từng giai đoạn phát triển của con nuôi, chuồng trại thiết kế thông thoáng, cao ráo, lắp đặt thêm những hệ thống phun sương làm mát ở trên mái sẽ giúp giảm độ trong những ngày nắng, chuẩn bị hệ thống máy phát điện để phòng khi mất điện.
Bên cạnh đó, cần sử dụng quạt hút gió hoặc thổi gió để đẩy không khí nóng ra khỏi chuồng trại, điều chỉnh lớp lót chuồng xuống khoảng 8cm để giảm bớt nhiệt. Người chăn nuôi cũng cần chủ động bổ sung dinh dưỡng và sức đề kháng khi nuôi gà mùa nắng nóng. Đối với trâu bò, với đặc tính sinh lý là chịu nắng nóng kém, do vậy khi thời tiết nắng nóng sẽ phát sinh nhiều bệnh, hiệu quả chăn nuôi thấp, người dân cần áp dụng các biện pháp chống nóng cơ bản như phủ vật che nắng, phun nước lên mái, lắp hệ thống quạt phun sương; tăng lượng thức ăn xanh, cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, cung cấp thêm nước uống. Nhất là không chăn thả bò vào thời điểm nắng nóng trong ngày và những ngày có nhiệt độ cao. Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho trâu bò theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, những ngày nắng nóng, vật nuôi thường có biến đổi trong quá trình hấp thu, trao đổi chất, việc ăn uống có nhiều thay đổi theo chiều hướng không tốt. Vì vậy, các hộ chăn nuôi cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và bổ sung các loại khoáng, vitamin để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, người dân lưu ý vệ sinh môi trường trong và xung quanh khu vực chuồng nuôi, khu chăn thả; che chắn chuồng trại, tránh cho gia súc, gia cầm bị nhiễm lạnh khi có những cơn giông, lốc và những trận mưa lớn đột ngột. Đối với những trang trại chăn nuôi tập trung với số lượng lớn thì nên đầu tư hệ thống giàn phun nước tự động, quạt thông gió để làm mát chuồng nuôi; bổ sung các máng uống nước trong mùa hè, có chế độ ăn hợp lý. Để phòng, chống các loại dịch bệnh trong mùa nắng nóng này, người nuôi cần chuẩn bị đầy đủ thuốc thú y; thực hiện quét dọn, thu gom chất thải chăn nuôi hàng ngày và có biện pháp xử lý phù hợp, như: sử dụng hầm biogas; ủ phân hữu cơ vi sinh bằng các chế phẩm sinh học, phun thuốc sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để tránh các loại vi khuẩn gây hại xâm nhập. Những ngày nắng nóng còn phải tăng cường việc kiểm tra, theo dõi đàn gia súc, gia cầm, nếu thấy con nuôi có những biểu hiện không bình thường như: đi không vững, mệt lả, bỏ ăn... cần nhanh chóng kiểm tra và xử lý kịp thời nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra.