Bảo đảm an toàn cho nhà báo khi tác nghiệp là ưu tiên hàng đầu
Lăn xả, đeo bám đề tài điều tra hóc búa, phanh phui những vụ việc tiêu cực, các nhà báo đang hàng ngày, hàng giờ dấn thân để đem sự thật và công lý đến với công chúng, góp phần bảo vệ công bằng xã hội.
Nhân Kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về những giải pháp để bảo vệ các nhà báo, bảo đảm sự an toàn trong quá trình tác nghiệp.
Thưa ông, nhiều nhà báo đã dấn thân trong tác nghiệp, tuy nhiên họ vẫn chưa thật sự được bảo vệ an toàn, nhiều vụ việc nhà báo bị đe dọa, hành hung chưa được xử lý. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Nghề báo là nghề nguy hiểm. Cũng dễ hiểu thôi, bởi nhà báo luôn là người phanh phui sự thật, đưa những vấn đề mà đối tượng không muốn ra ánh sáng. Đã có những tổng kết trên thế giới, nhiều trường hợp nhà báo bị xâm phạm thân thể, bị hành hung, thậm chí có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.
Ở Việt Nam, báo chí được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, được pháp luật bảo vệ khi tác nghiệp và được quy định rất rõ, kể cả mối quan hệ giữa nhà báo với công chúng, với xã hội. Nhà báo luôn luôn có được sự trân trọng của bạn đọc và công chúng. Tuy nhiên, do đặc thù của nghề nên vẫn xảy ra một số trường hợp nhà báo bị hành hung, bị cản trở trong khi tác nghiệp.
Công việc của nhà báo luôn mang sự thật đến với công chúng trong xã hội và nó cũng có những rào cản. Nhưng về mặt chủ quan mà nói, nhà báo cần phải có kỹ năng, cần có nguyên tắc để giảm thiểu những nguy cơ có thể bị xâm hại, nhất là những nguy cơ không đáng có. Ví dụ như sự nôn nóng, xông thẳng vào những chỗ nguy hiểm mà thiếu những giải pháp bảo vệ.
Do đó, nhà báo cần có phương án tự bảo vệ, không nên đẩy sự bức xúc lên cao trào, đôi khi sự va đập ấy đến không phải quá "nghề nghiệp", không cần thiết mà nhà báo xử lý chưa được nhuần nhuyễn, chưa đặt mình vào trong bối cảnh cụ thể... Cho nên mọi việc xảy ra nếu ảnh hưởng đến sinh mạng, thân thể, sức khỏe của công dân nói chung, đặc biệt là những người làm báo khi tác nghiệp nói riêng thì cũng là điều đáng tiếc, cần phải tìm mọi cách để tránh.
Không chỉ trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường nhà báo mới có nguy cơ gặp nguy hiểm, trong môi trường làm báo 4.0 hiện nay, các nhà báo cũng có thể gặp phải những rủi ro nào? Làm thế nào để bảo vệ các nhà báo trong các tình huống này, thưa ông?
Đây là câu hỏi rất hay. Bởi vì cái nguy hiểm của nghề báo, không chỉ là nguy hiểm trong những va đập của mối quan hệ bên ngoài xã hội, thậm chí nó còn nguy hiểm trong cách thông tin. Nhà báo phải phản ánh ngay khi nó đang diễn ra. Đồng thời khi chúng ta tường thuật trực tiếp tại hiện trường hoặc khi nó diễn ra rồi nhưng lúc đó nó đã bộc lộ được bản chất chưa, anh đã nhìn ra được bản chất của nó chưa thì ta chưa nhận diện được nó.
Ví dụ, khi xảy ra đám cháy. Một nhà báo gần hiện trường nhất đến sẽ thấy ngọn lửa từ lúc nhen nhóm từ tầng 1 lên tầng 2, sau đó lửa bùng lên bao trùm và rồi được dập tắt. Nhưng nhà báo thứ hai đến chậm hơn thì chỉ mô tả được ngọn lửa bùng lên dữ dội và nhà báo thứ ba đến muộn hơn nữa thì chỉ chứng kiến đám cháy được dập tắt, dọn dẹp hiện trường...
Như vậy, qua con mắt trực tiếp của người làm báo thì có ba hiện thực với ba lát cắt khác nhau. Và ngay cả khi chúng ta tiếp cận được hiện thực, tiếp cận được nhân vật, viết bài đưa tin, nhưng làm sao phóng viên biết được cái người ta đang nghĩ trong sâu thẳm của họ, mà chỉ biết qua lời kể của người khác, qua những điều người ta bộc bạch, thách thức là làm sao nhìn sâu và nhìn ra ngay được bản chất của vấn đề?
Chưa kể ngay cả bản thân một cá nhân, để tự giải mã mình muốn gì, tâm hồn mình, năng lực của mình đôi khi còn hoang mang... Thông tin mang tính thời sự, từ thông tin thời sự ấy để tiếp cận đến hiện thực, đến bản chất là cả một quá trình, nhưng không ai cho phép anh chậm chạp, thong thả để mất đi cơ hội thông tin. Chậm chạp không phải tính cách của người làm báo. Như vậy, vấn đề phóng viên vẫn phải thông tin, vẫn phải chạy theo guồng quay về thông tin rất nhanh, đôi khi áp lực ấy khiến đôi lúc phóng viên còn ẩu trong nghề. Bởi phóng viên vừa buông bút thì anh đã tiếp cận ngay với tác phẩm khác rồi, đề tài mới.
Theo tôi, quan trọng nhất là nhà báo phải mài sắc tính chuyên nghiệp. Anh xác định nghề của mình là nghề tiếp nhận thông tin mới để chuyển tải. Tiếp nhận thông tin càng sâu sắc, cần kỹ lưỡng thì càng có "vốn liếng" để chuyển tải nhiều hơn. Như vậy nhà báo phải theo dõi lĩnh vực sâu, có nhiều nguồn tin, có nhiều sự kiểm chứng, phóng viên có cả quá trình tích lũy về lĩnh vực ấy rồi thì anh sẽ nắm được bản chất sự việc. Tính chuyên nghiệp nó nằm đấy thì phóng viên sẽ không bất ngờ trước những thông tin không đúng hoặc phóng viên sẽ thấy băn khoăn ngay khi thấy nó gợn.
Nếu phóng viên chưa có kinh nghiệm, thấy cái gì cũng mới thì đấy là nguy hiểm rất lớn trong nghề nghiệp, dễ vi phạm tính chân thực. Tiếp đó là phải có sự thận trọng, suy xét. Chúng ta nói là nhanh thì phải có phương pháp để đưa thông tin nhanh. Thông tin ban đầu nó như vậy thì phóng viên đến hiện trường phản ánh, còn thông tin sâu hơn thì sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc, công chúng bản tin sau hoặc qua những tác phẩm báo chí sau.
Tiếp nữa, luôn phải có sự kiểm chứng đan chéo lẫn nhau. Bây giờ có vấn đề là nhiều văn bản đóng dấu mật, khi đến tay phóng viên thì xóa dấu mật đi rồi hoặc photo qua nhiều lần rồi, nếu phóng viên không hiểu sâu, không có kinh nghiệm làm nghề hoặc không có ý thức làm nghề, không có sự kiểm chứng hoặc không có nguồn thông tin kiểm chứng chéo, thì rất có thể sự nguy hiểm sẽ bị đẩy đi rất xa, thậm chí còn đối diện với nguy cơ về mặt pháp lý, chứ không thuần túy chỉ là rủi ro thông thường.
Tôi cũng xin nói thêm, nghề báo là nghề được tôn vinh, được quan tâm và nghề báo thực sự tác động đến xã hội rất nhiều. Thế nhưng với nguồn lực như hiện nay, do chạy theo view, hay chạy theo số lượng tác phẩm, nên nhiều tác phẩm đầu tư chiều sâu lại không được đãi ngộ thỏa đáng, không được chi trả cho một tác phẩm sâu thỏa đáng bằng số lượng tác phẩm bằng cách tính toán theo thang bậc về tài chính.
Ngoài ra do cách tác nghiệp của một số cơ quan báo chí, nên có thể rủi ro đến khi phóng viên tìm hiểu hời hợt, vội vàng trong thông tin. Có thể sai một từ, hoặc chú thích nhầm một bức ảnh, nhưng hậu quả rất khôn lường, chưa kể mạng xã hội đưa rất nhiều thông tin và đôi khi nhiều phóng viên chạy theo mạng xã hội để đưa tin, lấy thông tin ở mạng xã hội mà thiếu kiểm chứng thì rủi ro còn nhân gấp nhiều lần.
Một trong những “tai nạn” có thể gặp phải với các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, nhất là khi nhà báo thực hiện các đề tài nhạy cảm, đó là việc do quá say nghề, mà bản thân họ cũng tự đưa mình vào các tình huống nguy hiểm, thậm chí có thể vô tình mà vi phạm pháp luật. Một số nhà báo điều tra đã phải vướng vòng lao lý vì dấn thân quá sâu, là những ví dụ. Vậy các cơ quan báo chí cần làm gì để trang bị cho phóng viên các kỹ năng để đối phó với các tình huống có thể vi phạm luật trong quá trình tác nghiệp, thưa ông?
Vai trò của các tòa soạn rất là lớn, đừng để mặc phóng viên tác nghiệp trong điều kiện rủi ro. Cần những người đứng đầu cơ quan báo chí phải có nghề, phải hiểu nghề. Nếu anh không hiểu nghề thì sẽ khó điều hành được phóng viên, kể cả ngăn ngừa những tiêu cực, chủ quan từ phía phóng viên cũng như giúp phóng viên tránh được những nguy cơ khách quan dội đến.
Khi duyệt một tin bài, duyệt một đề tài nào đó, trao đổi đề tài nào đó thì cần phải có định hướng ngay. Và người quản lý, người trực tiếp nhất từ cấp phòng, cấp ban đến người quản lý cao nhất của tòa soạn là Tổng biên tập phải có sự nhạy cảm về chính trị, phải có kiến thức pháp lý rất cơ bản, am hiểu nghề báo. Đặc biệt là thái độ trách nhiệm cao để gìn giữ đội ngũ phóng viên, để anh em làm nghề vững vàng. Và khi có sự định hướng, có sự chỉ đạo rồi, chắc chắn những rủi ro do bột phát cá nhân sẽ bớt đi. Bởi nghề báo là nghề xử lý thông tin nóng nên bộc phát cá nhân rất nguy hiểm, nếu anh xử lý sai thì nó sẽ đẩy đi rất xa và nó sẽ liên quan đến đạo đức nghề nghiệp.
Tiếp nữa là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về mặt pháp lý, các tình huống pháp lý cho phóng viên, không nhất thiết phải học chính quy Đại học Luật đâu, mà cái cần nhất là đặt ra các tình huống, thảo luận để trao đổi tọa đàm nghề nghiệp. Nếu hàng ngày các tòa soạn làm được những việc ấy, trao đổi những việc ấy thì tôi nghĩ thiết thực hơn rất nhiều thay cho những hội thảo, lễ lạt đôi khi nó rất hình thức.
Hội báo toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã tăng cường rất nhiều hội thảo nghề nghiệp. Theo tôi các cơ quan quản lý và các cấp hội cần tiếp tục quan tâm đi sâu vào những câu chuyện nghề nghiệp, đưa ra những trường hợp phân tích, mổ xẻ về góc độ đạo đức, góc độ pháp lý để tránh cho các hội viên, các nhà báo của mình vấp phải những rủi ro không đáng có trong khi tác nghiệp. Đấy mới là vai trò của Hội nghề nghiệp, đứng bên cạnh những nhà báo của mình. Đặc biệt là đưa các nhà báo vững vàng trên tuyến đầu, không có sự ngần ngại. Chứ không vì những rủi ro đến với các nhà báo thì báo chí lại thiệt thòi vì không còn có những tác phẩm máu lửa nữa, báo chí không giữ được vai trò cốt lõi của mình, đặc biệt là cạnh tranh thông tin rất rất khốc liệt.
Video PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức.
Tôi có may mắn 19 năm làm giảng viên báo chí ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền và có hơn 12 năm làm Tổng biên tập của hai tờ báo. Tôi cũng chứng kiến nhiều trường hợp rủi ro khi tác nghiệp. Trong việc làm nghề nói chung, tôi thấy: Khi làm nghề anh phải nghĩ đến sự an toàn.
Nếu không an toàn là thất bại. An toàn không có nghĩa là chúng ta lùi lại phía sau, không có nghĩa là chúng ta né tránh mà chúng ta phải bảo đảm tốt nhất để cho nhà báo tiếp tục làm nghề.
Thứ nhất, anh phải dự liệu được những tình huống có thể diễn ra, phải nắm chắc được thông tin, nắm chắc được nhân vật và phải hiểu được vấn đề pháp lý có thể nảy sinh trong quá trình tác nghiêp ấy.
Thứ hai là tận dụng mối quan hệ các đồng nghiệp, sự trao đổi, chia sẻ đặc biệt cấp quản lý là các nhà báo quản lý ở tòa soạn, một mặt là tăng cường kinh nghiệm hiểu biết của mình; tranh thủ phương án xử lý trong quá trình tác nghiệp cụ thể.
Thứ ba là các nhà báo phải xây dựng mối quan hệ với những người có kinh nghiệm, những người có vị trí am hiểu trong hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án, công an, kiểm sát, các luật sư... Những chia sẻ ấy, có liên quan đến quá trình tác nghiệp để có nhiều góc nhìn và khi đã hiểu như vậy thì chúng ta sẽ có cách lựa chọn để giữ an toàn cho nhà báo mà vẫn đạt được chất lượng công việc của mình.