Bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ

Theo dự báo, thời tiết năm nay sẽ diễn biến thất thường, lượng mưa có thể lớn hơn trung bình nhiều năm. Ngay những ngày đầu mùa mưa lũ, nhiều nơi đã xảy ra mưa to đến rất to, trên diện rộng, có những nơi lượng mưa lên đến hơn 800mm. Trước tình hình đó, nhiều địa phương đang khẩn trương tu bổ, khắc phục, gia cố các công trình hồ, đập để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

Kiểm tra an toàn trước khi đưa vào sử dụng hồ Đá Lải ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình trước mùa mưa bão. (Ảnh: LÊ HỒNG)

Kiểm tra an toàn trước khi đưa vào sử dụng hồ Đá Lải ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình trước mùa mưa bão. (Ảnh: LÊ HỒNG)

Tính đến hết tháng 5/2022, dung tích hồ chứa thủy lợi trên cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, nguồn nước bảo đảm phục vụ cho sản xuất. Tuy vậy, nhiều đập, hồ thủy lợi bị bồi lắng, hư hỏng, xuống cấp, giảm công năng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn... Trước tác động của thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, nhiều địa phương đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn công trình hồ, đập thủy lợi trước mùa mưa bão.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ, đập

Đắk Lắk đang bước vào mùa mưa năm 2022 và từ đầu mùa mưa đến nay, lượng mưa lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng loạt hồ, đập trong tình trạng mất an toàn, khiến người dân ở vùng hạ lưu hết sức lo lắng.

Công trình hồ chứa nước Phù Mỹ, xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo có dung tích chứa 174.000m3 nước, có nhiệm vụ tưới cho 100ha cà-phê. Hồ đã được xây dựng nhiều năm, thân đập được đắp bằng đất có chiều cao đập 11,5m, chiều dài đập 240m, chiều rộng đỉnh đập 5m, hạ lưu đập cũng được đắp bằng đất…

Sau nhiều năm sử dụng, khai thác, công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng như mái thượng lưu đập bằng đất xói lở vào thân đập; mái hạ lưu đập thấm mạnh làm biến dạng mặt cắt ngang đập; tràn xả lũ xuống cấp, hư hỏng nặng do toàn bộ tường xô nghiêng mất ổn định, tiêu năng sập hoàn toàn… Thế nhưng đến nay, công trình này vẫn chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Tương tự, Hồ đội 4, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp có dung tích hơn 5 triệu 349 nghìn m3 nước, phục vụ tưới cho khoảng 350ha lúa và cây hoa màu của nhân dân thôn 10, xã Ia Rvê.

Công trình có đập đất dài 1.050m, rộng 6m… Tuy nhiên, mới đây Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk kiểm tra phát hiện toàn bộ mái hạ lưu đất bị xói lở nghiêm trọng, mặt cắt ngang đập biến dạng, hiện tượng xói ngầm xuất hiện lộ ra phía mái hạ lưu đập. Tràn xả lũ mặt cắt kênh xả hẹp đột ngột ảnh hưởng đến việc tháo lũ của tràn… khiến công trình có nguy cơ mất an toàn cao khi có mưa lớn.

Đây là hai trong số hàng trăm công trình hồ, đập do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý bị hư hỏng, xuống cấp. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp, tình hình mưa lũ diễn biến khó lường khiến nguy cơ mất an toàn hồ, đập trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong mùa mưa lũ đang đến là mối lo thường trực.

Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk Nguyễn Công Hạnh cho biết: Công ty được giao quản lý 352 công trình, trong đó có 257 hồ chứa, 82 đập dâng và 13 trạm bơm, phục vụ nước tưới cho hơn 77.000ha cây trồng các loại, trong đó có gần 25.000ha cà-phê, 51.000ha lúa nước hai vụ… Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn hồ, đập trước mùa mưa lũ năm nay thì có tới 69 công trình hồ, đập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, bảy công trình mất an toàn và ba công trình mất an toàn cao.

Các công trình này, việc lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình vẫn chưa được xử lý triệt để. Đặc biệt, đối với các công trình đập đất được xây dựng từ mấy chục năm trước, nhưng đến nay một số công trình mái thượng lưu chưa được gia cố nên bị sạt lở, nước thấm qua thân đập. Nhiều công trình mặt đập được kết hợp làm đường giao thông chưa được gia cố nên bị hư hỏng, xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn của công trình.

Hằng năm, nhu cầu nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng các hồ, đập do công ty quản lý là rất lớn, nhưng do nguồn kinh phí được cấp còn hạn chế, nên đành “lực bất tòng tâm”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Mai Trọng Dũng cho biết: Trong lúc chờ ngân sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, Sở đã chủ động thực hiện các phương án bảo đảm an toàn hồ, đập, hồ chứa trên địa bàn. Trước mắt, đề nghị chủ các đập, hồ chứa chủ động bố trí kinh phí sửa chữa tạm thời các hư hỏng, để bảo đảm an toàn cho công trình; cử người trực tại công trình 24/24 giờ trong ngày khi có mưa lũ lớn xảy ra; thông báo cho nhân dân vùng hạ lưu công trình biết để có biện pháp chủ động di dời kịp thời khi công trình xảy ra sự cố; thường xuyên theo dõi tình hình về an toàn đập, hồ chứa, công trình thủy lợi và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để chỉ đạo xử lý khi có nguy cơ mất an toàn cao hay công trình xảy ra sự cố.

Tăng cường giám sát, xử lý sự cố kịp thời

Có mặt tại hồ Đá Lải, huyện Nho Quan (Ninh Bình), ngày đầu tháng 6/2022, chúng tôi chứng kiến một không khí lao động khẩn trương. Công nhân đang tập trung khoan các điểm trên thân đập mới được cải tạo, nâng cấp để lắp các thiết bị quan trắc, đo mức độ thấm trên thân đập, cảnh báo nguy cơ rạn nứt mặt đập. Anh Đỗ Nhật Tùng, tư vấn giám sát công trình hồ Đá Lải cho biết: Do tính chất công trình rất quan trọng, nên tư vấn giám sát kết hợp với chủ đầu tư luôn đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thi công khẩn trương chia hai ca trong ngày, tập trung huy động nhân lực máy móc thi công ngày đêm, kể cả thời tiết mưa gió để bảo đảm tiến độ đề ra.

Bà Bùi Thị Hải, một người dân ở phía hạ du hồ Đá Lải chia sẻ: Hồ này được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, qua ba lần tu bổ, sửa chữa nhưng người dân vẫn lo lắng, đặc biệt là những ngày mưa lớn. Chiều cao của mặt nước hồ so với nhà dân và mặt ruộng khoảng gần 10m, nên nếu có sự cố sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, với quy mô và tiến độ tu bổ toàn diện như lần này, bằng mắt thường thì người dân thấy rất yên tâm.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình Nguyễn Quang Vinh cho biết: Địa phương có bảy dự án nâng cấp theo chương trình của Ngân hàng Thế giới (WB). Những hồ này đều đã xây dựng từ lâu, khoảng những năm 1960, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đập chưa được bê-tông hóa, mái thượng lưu bị kè đá bong tróc, thân đập bị rò rỉ, thấm nhiều. Nếu những dự án này không được tu bổ kịp thời thì trong mùa lũ bão sẽ có nguy cơ mất an toàn cao, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của hàng nghìn hộ dân trong khu vực hạ lưu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, trên địa bàn có 46 hồ, trong đó dung tích hữu ích là 43,8 triệu m3 phục vụ tưới cho hơn 8.500ha. Để bảo đảm an toàn cho các hồ đập trong mùa mưa bão, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập hội đồng tư vấn đánh giá an toàn hồ đập; trước mùa mưa bão sẽ tiến hành kiểm tra trực tiếp các hồ đập lớn trên địa bàn tỉnh từ đó kịp thời phát hiện các hư hỏng xuống cấp để xây dựng các kế hoạch, phương án phòng, chống trong mùa mưa bão cũng như kế hoạch duy tu, sửa chữa trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm: Thời gian tới, bảo đảm an toàn cho các hồ đập, chúng tôi đã chủ động đề xuất đề tài khoa học về: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn hồ đập, cảnh báo thiên tai; xây dựng các hệ thống báo mưa, đo mực nước tự động, hệ thống camera giám sát, bảo đảm cung cấp thông tin, quản lý điều hành kịp thời các hư hỏng, sự cố phát sinh trong hồ đập mùa mưa lũ. Đồng thời xây dựng các bản đồ ngập lụt, cắm các mốc chỉ giới để bảo đảm an toàn hồ đập. Có thể nói, các giải pháp trong thời gian tới của chúng tôi sẽ phục vụ tích cực cho công tác quản lý của các cấp để bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Theo Phó Tổng cục trưởng Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lương Văn Anh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, việc bảo đảm an toàn hồ, đập cần được coi trọng và quan tâm thường xuyên. Cùng với việc tu sửa, nâng cấp các công trình đã xuống cấp, hư hỏng, các đơn vị chức năng và các địa phương cần tăng cường giám sát, có các biện pháp theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tình hình hồ đập, từ đó có các giải pháp điều tiết lượng nước trong hồ hợp lý, xử lý sự cố kịp thời, ngay từ ban đầu.

Công trình hồ chứa nước Phù Mỹ (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) xuống cấp, chưa được đầu tư sửa chữa. (Ảnh: CÔNG LÝ)

Công trình hồ chứa nước Phù Mỹ (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) xuống cấp, chưa được đầu tư sửa chữa. (Ảnh: CÔNG LÝ)

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bao-dam-an-toan-ho-dap-trong-mua-mua-lu-50722