Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm sẻ chia của cả cộng đồng

Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường sẽ quản lý tất cả công đoạn trong chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn và chúng đều phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu quy định của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng và Nông nghiệp hữu cơ, Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng và Nông nghiệp hữu cơ, Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. (Ảnh: Vietnam+)

Việt Nam đã và đang hợp tác với các đối tác nước ngoài thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng và Nông nghiệp hữu cơ, Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xung quanh vấn đề này.

- Chợ đầu mối và chợ dân sinh đang phân phối khoảng 80-90% lượng thực phẩm và bảo đảm sinh kế cho nhiều hộ dân kinh doanh. Theo ông đâu là thách thức lớn đối với công tác quản lý và bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống? Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường đã và đang có những giải pháp gì nhằm cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối và chợ dân sinh?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Ở Việt Nam, việc phân phối và tiêu thụ sản phẩm hiện nay tập trung ở các chợ đầu mối và chợ dân sinh. Chợ đầu mối là điểm trung chuyển sản phẩm từ các nơi sản xuất ở các vùng đưa về, sau đó phân phối đến tất cả các chợ dân sinh rồi các bếp ăn tập thể, các chợ nhỏ, thậm chí là các cửa hàng. Chợ đầu mối tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Đối với các tỉnh nhỏ lẻ và cả các khu vực không cận kề với chợ đầu mối thì chợ dân sinh vẫn là điểm cung ứng thực phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng. Không những người tiêu dùng mà cả các bếp ăn tập thể cũng lấy nguồn thực phẩm từ chợ dân sinh.

Việc quản lý về mặt chất lượng an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối và chợ dân sinh trở nên hết sức quan trọng.

Thách thức đầu tiên trong việc quản lý các chợ này là quản lý về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Liệu sản phẩm ấy có thông tin nguồn gốc xuất xứ hay không, có được đáp ứng đầy đủ yêu cầu an toàn thực phẩm không? Nguồn thực phẩm rất nhiều và manh mún. Có những sản phẩm nhập khẩu cũng có sản phẩm từ địa phương về, thậm chí còn qua cả trung gian đưa về. Nếu chúng ta không rõ được nguồn gốc xuất xứ và điều kiện sản xuất tại vùng đó thì chúng ta không biết được là sản phẩm bán tại chợ có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không.

Thách thức thứ hai đến từ khâu vận chuyển. Nếu như vận chuyển mà không đáp ứng được yêu cầu theo tính chất của sản phẩm thì sẽ gây mất an toàn thực phẩm. Đơn cử như vận chuyển thịt, phải có thùng chứa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tùy theo điều kiện sau khi giết mổ hay là đánh bắt thì phải đảm bảo điều kiện nhiệt độ như thế nào. Nếu điều kiện bảo quản không tốt, nó sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm và khi chất lượng bị giảm, người bán không bán được giá tốt.

Thách thức thứ ba là đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm ngay tại chợ. Nếu như sản phẩm có nguồn gốc tốt, được vận chuyển tốt rồi mà đưa về chợ trong điều kiện trang thiết bị, dụng cụ không đảm bảo thì rõ ràng nó cũng nảy sinh nhiều vấn đề an toàn thực phẩm.

- Hiện nay người dân quan tâm nhiều hơn đến vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến quy trình khép kín từ trồng trọt, thu hoạch, sơ chế đến chế biến. Cục đã có những sáng kiến nào để người dân có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm và tiếp cận nhiều hơn với sản phẩm nông nghiệp an toàn từ nông trại đến bàn ăn?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Quản lý mang tính toàn diện góp phần cho đảm bảo an toàn thực phẩm là điều mà Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường và Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) của Canada hướng đến.

Chúng tôi sẽ triển khai dự án toàn bộ trong chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn và cụ thể là từ các vùng trồng, chăn nuôi, nuôi trồng đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ, phân phối tài nguyên chợ đầu mối, chợ dân sinh và kể cả các cái bếp ăn tập thể. Chúng tôi đang triển khai các giải pháp quản lý tất cả trong chuỗi. Tức là tất cả mỗi công đoạn, mỗi tác nhân trong chuỗi đều phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu quy định của Việt Nam.

Để được người tiêu dùng tin tưởng thì công cụ truy xuất nguồn gốc đóng vai trò quan trọng. Người tiêu dùng sẽ truy xuất thực phẩm họ dùng xuất phát từ đâu, trải qua những công đoạn nào. Những mối nguy tiềm ẩn hay vấn đề không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có được các cơ sở sản xuất và cơ quan chức năng kiểm soát hay không. Những thông tin kiểm soát đấy có được cảnh báo hay không? Tất cả nội dung đó đều nằm ở trong hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc được phát triển với sự hỗ trợ của SAFEGRO.

 Một chợ dân sinh quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)

Một chợ dân sinh quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)

- SAFEGRO đã lồng ghép văn hóa an toàn thực phẩm vào chương trình đào tạo từ cấp mầm non đến bậc đại học. Ông đánh giá như thế nào ý nghĩa các chương trình đào tạo của SAFEGRO trong việc nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm từ trẻ em đến thanh thiếu niên?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Tên của Dự án là An toàn thực phẩm vì sự phát triển. Vì sự phát triển cũng là minh chứng cho thấy rằng chúng tôi không chỉ tập trung triển khai các yếu tố kỹ thuật về an toàn thực phẩm mà chúng tôi muốn triển khai ở cái gốc rễ của vấn đề và chúng tôi muốn nhìn thấy tương lai phát triển nhiều hơn.

Chúng tôi không chỉ muốn hoạt động của dự án triển khai ở giải quyết hay hỗ trợ cho Việt Nam ở một công việc cụ thể hay chỉ đáp ứng được một góc độ cụ thể mà chúng tôi hướng tới tương lai nhiều hơn.

Chúng tôi đi từ hỗ trợ cho cấp mầm non, cụ thể là các bếp ăn tập thể nấu ăn hàng ngày cho các con để các con được ăn sản phẩm an toàn. Chúng tôi còn tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đầu bếp tuân thủ những quy định về an toàn thực phẩm. Khi đó chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai.

Ở bậc đại học, hiện nay nếu tôi nhớ không nhầm Việt Nam có khoảng trên 10 trường đại học đào tạo chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Nếu như việc đào tạo chỉ mang tính lý thuyết thì khi các sinh viên ra trường, họ sẽ gặp khó khăn khi bắt đầu công việc và cần phải đào tạo lại.

Chúng tôi đã nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo bậc đại học của Canada và quốc tế để hỗ trợ cho các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo ứng dụng, tức là những bài học có tính thực tiễn cao, cập nhật hơn, đổi mới hơn.

Điều lớn hơn chúng tôi nhìn thấy nữa là những cán bộ kỹ sư, cử nhân đó, nay mai về các viện, các trường, các trung tâm và các doanh nghiệp thì chính họ là người tiếp tục đi dạy cho các thế hệ sau.

- Cục có kế hoạch và định hướng gì trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn thực phẩm và tạo dựng văn hóa an toàn thực phẩm trong cộng đồng?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn là một trong những nhiệm vụ quản lý nhà nước rất quan trọng đối với công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Hằng năm Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường và các tỉnh thành phố đều có kế hoạch triển khai hoạt động này, trọng tâm là phổ biến kịp thời những quy định mới, chính sách mới của Nhà nước đến cộng đồng, những người sản xuất kinh doanh để người ta biết, để người ta tiếp cận.

Chúng tôi cũng tăng cường kiểm soát sau khi tập huấn và hậu kiểm, đánh giá việc tổ chức triển khai như thế nào.

Chúng tôi hướng đến những nội dung mới, ví dụ như văn hóa an toàn thực phẩm được lồng ghép vào những vấn đề xã hội. Chúng tôi phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, các tổ chức đoàn thể để lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, văn hóa an toàn thực phẩm vào hoạt động phổ biến quy định - đôi khi mang tính hơi khô cứng.

Chúng tôi xác định an toàn thực phẩm là trách nhiệm không của riêng ai mà nó là trách nhiệm phải được chia sẻ cộng đồng. Khi mà trách nhiệm chia sẻ và trách nhiệm của cộng đồng cùng nhau làm tốt thì tôi cho rằng kết quả công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ càng ngày càng hoàn thiện hơn.

- Xin cảm ơn ông!./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bao-dam-an-toan-thuc-pham-la-trach-nhiem-se-chia-cua-ca-cong-dong-post1024123.vnp