Bảo đảm ATGT, đẩy nhanh tiến độ thi công đường liên vùng tại Thái Nguyên
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, các nhà thầu đang huy động tối đa máy móc, nhân, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công đường liên vùng tại Thái Nguyên; công tác bảo đảm ATGT tại dự án cũng được quan tâm đúng mức.
Đẩy nhanh tiến độ
Theo Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên, đến nay công tác GPMB thực hiện dự án xây dựng đường liên vùng, kết nối Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc đã cơ bản hoàn thành với 99% diện tích đã được bàn giao. Ngay sau khi nhận mặt bằng thi công, chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu huy động nhân lực, thiết bị và tổ chức thi công xây dựng công trình.
Đến nay, liên danh các nhà thầu Hoàng Sơn - 319 - Minh Đăng đã huy động đến hiện trường 94 cán bộ quản lý và kỹ thuật, 209 nhân công, 361 xe, máy thiết bị và người điều khiển, 4 phòng thí nghiệm; tổ chức thành 16 mũi thi công đồng loạt triển khai trên toàn tuyến.
Hiện, các đơn vị đang tổ chức thi công đào đắp nền đường được 38,53/42,55km; tổ chức thi công và hoàn thiện 10/11 cầu, 23/28 hầm chui dân sinh, 133/191 cống ngang, 4/4 vị trí tường chắn, gia cố mái ta luy và xây hoàn trả mương thủy lợi.
Có mặt, trực tiếp chỉ huy tại công trường, Thượng tá Quân nhân chuyên nghiệp Lê Đức Thiện chỉ huy trưởng Nhà thầu Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng, Bộ Quốc phòng chia sẻ: "Đến nay, đơn vị đã hoàn thành thi công với tổng giá trị đạt khoảng 35% tổng giá trị hợp đồng. Gói thầu do công ty đảm nhiệm cũng đã cơ bản hoàn thành thi công nền đường. Công ty cũng đã chỉ đạo các mũi thi công dồn lực, tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đúng kế hoạch giao.
Hiện, tổng giá trị hoàn thành hiện của dự án đạt 633,75/2.339,228 tỷ đồng, đạt 27,1% giá trị hợp đồng. Các nhà thầu cũng đang tập kết vật liệu cấp phối đá dăm và thi công móng đường cấp phối đá dăm loại 2. Hiện, tổng số vốn được giao năm 2023: 475,073/700 tỷ đồng (đạt 67,87%).
Ngày 24/10, trực tiếp kiểm tra công tác thi công trên tuyến, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Xuân Trường đề nghị chủ đầu tư tích cực phối hợp với các nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, máy móc thiết bị, tăng công suất làm việc để hoàn thành các hạng mục của dự án theo đúng tiến độ đã cam kết. Bên cạnh đó, phải đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng công trình, phấn đấu đưa tuyến đường vào sử dụng trong năm 2024.
Bảo đảm ATGT tại công trường
Các nhà thầu thi công đường liên kết vùng nối Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc khẳng định: Tuy tuyến đường được mở mới hoàn toàn nhưng có nhiều điểm giao cắt với đường giao thông hiện hữu trên địa bàn. Cùng đó, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông, nhất là tại các khu vực đông dân cư, giờ cao điểm học sinh đến trường, công nhân tan ca và đến nơi làm việc nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cản trở, mất ATGT.
Trước thực tế trên, các nhà thầu đã tổ chức cắm biển báo công trình đang thi công, cử người cảnh giới, điều tiết giao thông; thường xuyên tổ chức tưới nước, rửa đường để bảo đảm ATGT, vệ sinh môi trường.
Ông Lê Văn Khang, Trưởng phòng Quản lý dự án 2, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên - Phó trưởng ban điều hành dự án đường liên vùng Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc khẳng định: "Ngay từ đầu, khi mới triển khai dự án, chủ đầu tư đã quán triệt, hướng dẫn các nhà thầu thực hiện nghiêm túc công tác bảo đảm ATGT, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong suốt quá trình thi công. Nhìn chung, đến nay, công tác này đã cơ bản được bảo đảm, không để xảy ra tình trạng mất an toàn trên tuyến".
Được biết, dự án xây dựng đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư trên 4.200 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án dài 42,55km, bề rộng nền đường 22,5m, mặt đường thảm bê tông nhựa rộng 21,5m.
Tuyến đường sẽ giúp kết nối các tỉnh trong khu vực thông qua 5 tuyến đường cao tốc: Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch hồ Núi Cốc, nối với Khu du lịch ATK Định Hóa, tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, du lịch và đô thị hóa khu vực rộng lớn ở sườn Đông Tam Đảo.