Bảo đảm Biển Đông rộng mở, ổn định và thịnh vượng

Vấn đề Biển Đông đang là một nội dung quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế. Các nhà lãnh đạo thế giới cũng đã và đang có những động thái thúc đẩy sự ổn định, hòa bình, thịnh vượng tại khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh G7 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: REUTERS

Hội nghị thượng đỉnh G7 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: REUTERS

Australia và Philippines gắn kết, kiên định

Trong chuyến thăm Philippines mới đây, Ngoại trưởng Australia Penny Wong và người đồng cấp Philippines Enrique A. Manalo đã đánh giá tích cực quan hệ đối tác toàn diện song phương. Hai ngoại trưởng khẳng định, mối quan hệ tốt đẹp ngày nay đã được hình thành và phát triển trong quá trình 77 năm gắn bó chặt chẽ. Mối quan hệ hợp tác cũng dựa trên định hướng bởi Kế hoạch Hành động Philippines - Australia giai đoạn 2021 - 2022.

Trong quá trình thảo luận, hai ngoại trưởng nêu bật những tiến triển quan hệ song phương và tái nhấn mạnh cam kết nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Nội dung quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự của hai ngoại trưởng Australia và Philippines hợp tác trong các lĩnh vực trọng yếu như: Quốc phòng; hàng hải; chống khủng bố; xây dựng hòa bình; luật pháp và công lý...

Đề cập tới vấn đề Biển Đông, Australia và Philippines nhất trí về tầm quan trọng của việc đảm bảo một khu vực rộng mở, ổn định và thịnh vượng. Bà Penny Wong và ông Manalo nhấn mạnh, Biển Đông là nơi chủ quyền được tôn trọng và các quốc gia hoạt động theo các quy tắc cũng như chuẩn mực đã thống nhất. Song hành với đó, người đứng đầu 2 ngành ngoại giao của Australia và Philippines cùng nêu cao tầm quan trọng của việc tất cả các quốc gia phải thượng tôn và tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Liên quan tới luật pháp quốc tế, bà Penny Wong ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông năm 2016 trong vụ kiện của Philippines liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông. Cùng với đó, bà Penny Wong cũng tái khẳng định lời cam kết kiên định của Australia đối với vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cấu trúc do ASEAN dẫn dắt.

Đối với tổ chức quốc tế có tầm ảnh hưởng khác ở khu vực là Nhóm An ninh Tứ giác (QUAD), bà Penny Wong và ông Manalo ủng hộ một khu vực hòa bình và ổn định, dựa trên luật lệ mà ASEAN là trung tâm. Đồng thời thông qua nỗ lực thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như hỗ trợ thực hiện Tầm nhìn ASEAN về khu vực này.

Liên quan tới Hiệp định An ninh 3 bên Mỹ - Anh - Australia (AUKUS), ngoại trưởng Australia và Philippines cho biết sẽ tiếp tục thảo luận minh bạch, đặc biệt là về mục tiêu thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một nội dung đáng chú ý hàng đầu trong quan hệ Australia và Philippines là gói các sáng kiến hợp tác hàng hải, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Theo đó, Ngoại trưởng Australia đã công bố gói các sáng kiến này dựa trên hợp tác an ninh hàng hải sâu rộng giữa hai nước. Australia sẽ hỗ trợ thiết bị, kỹ năng và công nghệ cho Philippines nhằm nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải và bảo vệ biển. Đồng thời hỗ trợ giảm thiểu tác động môi trường của sự cố tràn dầu gần đây ở đảo Mindoro của Philippines...

Nêu cao tầm quan trọng của luật pháp, trật tự quốc tế

Các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mới đây đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản. G7 quy tụ 7 nền kinh tế phát triển gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Canada. Trong đó, Nhật Bản đang là Chủ tịch luân phiên G7 năm 2023.

Ngoại trưởng Australia Penny Wong và người đồng cấp Philippines Enrique A. Manalo trong cuộc họp báo chung ở Philippines mới đây. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Australia Penny Wong và người đồng cấp Philippines Enrique A. Manalo trong cuộc họp báo chung ở Philippines mới đây. Ảnh: AP

Đáng chú ý trong chương trình nghị sự, hội nghị đã tìm giải pháp cân bằng giữa hợp tác kinh tế với bảo đảm lập trường, kêu gọi đóng vai trò tích cực hơn nữa cho an ninh khu vực. Nổi bật trong tuyên bố chung sau hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ lo ngại sâu sắc đối với tình hình của khu vực Biển Đông và Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng nói chung bằng bạo lực và uy hiếp, đồng thời xác nhận tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan. Đặc biệt nhấn mạnh sự phản đối đối với các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.

Lãnh đạo 7 quốc gia thành viên G7 cùng khẳng định quan điểm phản đối những yêu sách không có cơ sở pháp lý ở Biển Đông. Nâng cao hơn nữa vai trò của luật pháp quốc tế ở Biển Đông; nêu bật tầm quan trọng của luật pháp và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Hội nghị cũng chỉ ra rằng, đây là điều gắn liền với mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Liên quan tới mối quan hệ phức tạp tại khu vực, các nhà lãnh đạo G7 khẳng định, việc đề cập thẳng và trực tiếp đối với mối quan ngại trên thực địa là điều quan trọng nhưng hơn hết là phải sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định. Chính sách của G7 không nhằm gây tổn hại, cũng như không tìm cách cản trợ, tách rời sự phát triển và tiến bộ kinh tế của quốc gia.

Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, trong tuyên bố vừa qua của G7, dường như nhóm tìm cách để ngỏ cánh cửa hợp tác và tránh làm gia tăng căng thẳng. Các phân tích chỉ ra rằng, G7 muốn có một cách tiếp cận tổng thể đối với khu vực, bao gồm sự quan tâm dành cho lợi ích của các nước trong khu vực. Điều này nhằm hiện thực hóa các tham vọng địa chính trị, mang lại tầm ảnh hưởng của G7 đối với khu vực và cũng để gặt hái lợi ích.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhìn nhận, phản ứng của G7 đối với khu vực sẽ không quá mạnh mẽ, bởi tình trạng chia rẽ trong nội bộ nhóm 7 quốc gia này, vì vậy, lợi ích của các nước trong khu vực sẽ khó có kỳ vọng gì từ G7 trong thời gian trước mắt.

Giới chuyên gia khẳng định, để chủ động giải quyết vấn đề Biển Đông, ASEAN đang quyết tâm thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 nhằm đạt được hòa bình và ổn định bền vững trong khu vực.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-dam-bien-dong-rong-mo-on-dinh-va-thinh-vuong-post461618.html