Bảo đảm các điều kiện để đất nước phát triển bền vững, ổn định
Quốc hội vừa bế mạc Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, Kỳ họp đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại và đi sâu vào những vấn đề 'nóng' được cử tri và Nhân dân quan tâm. Thành công của Kỳ họp góp phần không chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt mà còn bảo đảm những điều kiện để phát triển đất nước bền vững, ổn định trong thời gian tới.
ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc):
Tận tâm, tận lực, tích cực, tâm huyết, trách nhiệm
Kỳ họp thứ Năm đã thành công tốt đẹp, với kỷ lục về số lượng dự thảo Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua và cho ý kiến. Chương trình Kỳ họp được điều chỉnh rất linh hoạt, giữa hai đợt họp, Quốc hội có một tuần nghỉ để các cơ quan rà soát, hoàn thiện các dự án trình Quốc hội thông qua và các đại biểu có thời gian nghiên cứu kỹ tài liệu, tham gia ý kiến chất lượng đối với các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân. Không khí phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất sôi nổi, dân chủ, đúng như tinh thần 5 chữ T "Tận tâm – Tận lực – Tích cực – Tâm huyết – Trách nhiệm" được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu. Các câu hỏi chất vấn rất đúng, trúng, đòi hỏi các trưởng ngành phải nêu rõ giải pháp, rõ trách nhiệm. Có thể thấy, các Bộ trưởng cũng rất nỗ lực, cầu thị, sẵn sàng nhận trách nhiệm, từ đó tạo được ấn tượng tốt với cử tri và Nhân dân cả nước.
Nhiều ý kiến góp ý cho các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết rất trí tuệ, mang tính phản biện cao, cho thấy các đại biểu đã dành nhiều tâm sức, thời gian để nghiên cứu kỹ. Các đại biểu cũng sẵn sàng tranh luận để đi đến tận cùng, làm rõ những vấn đề còn băn khoăn, có ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, các Luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp đều nhận được sự tán thành cao, đa số trên 90% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Tôi tin tưởng, những Luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ Năm sẽ sớm đi vào cuộc sống. Đối với việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, tôi mong rằng, các bộ ngành sẽ có giải pháp quyết liệt để giải quyết các tồn tại, vướng mắc đã được đại biểu Quốc hội nêu ra; đồng thời, với vai trò giám sát, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ theo sát việc thực hiện lời hứa của các vị trưởng ngành.
ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang):
Chủ tọa điều hành linh hoạt, bảo đảm số lượng đại biểu được phát biểu nhiều nhất
Kỳ họp thứ Năm bế mạc sau hơn 3 tuần làm việc khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả, hoàn thành khối công việc lớn. Công tác chuẩn bị xuyên suốt Kỳ họp rất chu đáo, chương trình họp được sắp xếp hợp lý, khoa học; đáng chú ý là việc chuẩn bị tài liệu công phu, kỹ lưỡng từ Tờ trình của Chính phủ đến Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và các tài liệu liên quan và tham khảo; cho thấy ý thức trách nhiệm của các cơ quan tham gia xây dựng luật và cơ quan thẩm tra. Nhờ vậy, các Luật và Nghị quyết được bấm nút thông qua tại Kỳ họp lần này có tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành cao, đa phần trên 90%.
Qua theo dõi, tôi thấy các phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; đi sâu vào những vấn đề “nóng” được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm như: tình trạng lao động mất việc làm, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, chậm tiến độ triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia…
Kỳ họp thứ Năm cũng là Kỳ họp đầu tiên sau khi Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) có hiệu lực và tôi thấy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các đại biểu Quốc hội rất nghiêm túc tuân thủ quy định, tham dự đầy đủ các phiên họp; nếu phải vắng mặt thì đều báo cáo, xin phép theo đúng nội quy; đồng thời, đại biểu trách nhiệm, ý thức hơn trong việc tham gia trao đổi, việc “chen luận” đã được giảm thiểu tối đa tại các phiên thảo luận.
Tôi đặc biệt ấn tượng với sự điều hành của Chủ tọa các phiên họp vô cùng linh hoạt, kịp thời có những điều chỉnh phù hợp ngay trong quá trình thảo luận giúp bảo đảm số lượng đại biểu được phát biểu nhiều nhất. Đặc biệt, tại các phiên chất vấn, với sự dẫn dắt của chủ tọa, các đại biểu đặt câu hỏi đúng, trúng vấn đề hơn; các Bộ trưởng, trưởng ngành giải trình đầy đủ và đúng các nội dung đại biểu quan tâm hơn.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh:
Nhận diện khó khăn, chọn được giải pháp phù hợp
Với nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện. Qua đó, góp phần không chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt mà còn bảo đảm những điều kiện để phát triển đất nước bền vững, ổn định trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong công tác xây dựng pháp luật, Kỳ họp này, Quốc hội đã cho ý kiến về rất nhiều dự thảo Luật và Nghị quyết quan trọng, có tác động lớn đến đời sống Nhân dân và nền kinh tế, như: dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi)… Quá trình xem xét, thảo luận, Quốc hội đã nhận diện khá rõ những khó khăn vướng mắc hiện nay là gì; cần phải sửa đổi, bổ sung nội dung nào và đã chọn được các phương án sửa đổi để phù hợp, khả thi nhất.
Khi điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức thì việc khẳng định được vai trò, vị thế của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay là rất quan trọng. Muốn như vậy, chúng ta cần phải có một hệ thống chính sách, pháp luật đầy đủ, minh bạch và rõ ràng. Với vai trò của mình, thời gian qua, Quốc hội đã và đang từng bước cố gắng, phấn đấu để xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật với mong muốn ngày càng tiệm cận hơn với các chuẩn mực quốc tế; đồng thời, giám sát nhằm bảo đám việc thực thi chính sách, pháp luật nghiêm minh, phát huy hiệu quả tốt nhất. Quốc hội sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ cử tri và Nhân dân; đồng hành với Chính phủ, các cơ quan soạn thảo để hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật.
ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai):
Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng hồ sơ các dự án Luật
Kỳ họp thứ Năm diễn ra trong thời gian tương đối dài, với 23 ngày làm việc, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Kỳ họp này tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới trong phương thức làm việc, khi kỳ họp được chia làm hai đợt họp và dành một tuần giữa hai đợt để các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp. Đây là cách làm cải tiến nhằm góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp, tạo điều kiện cho các cơ quan hữu quan có thời gian xem xét thấu đáo, chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án Luật trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 8 dự án luật; xem xét, ban hành 17 nghị quyết; cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Cơ bản, hồ sơ các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình ra Quốc hội tại kỳ họp này đã bảo đảm các điều kiện theo quy định của Luật Ban hành quy phạm pháp luật. Mặc dù vậy, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ cần tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng hồ sơ các dự án Luật hơn nữa, đặc biệt là phải tuân thủ thời gian gửi hồ sơ, tài liệu cho các đại biểu Quốc hội. Có như vậy, đại biểu Quốc hội mới đủ thời gian nghiên cứu tài liệu và cho ý kiến. Tôi mong muốn, thời gian tới Quốc hội sẽ thực hiện nghiêm hơn nữa kỷ cương trong công tác lập pháp nhằm bảo đảm chất lượng công tác lập pháp, khắc phục tình trạng “tuổi thọ” của các luật được thông qua còn tương đối ngắn.