Bảo đảm chất lượng con giống khi đến tay người dân

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên được Sở Nông nghiệp và PTNT giao thực hiện 2 dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện Phú Bình và Đại Từ. Trước khi đưa bò giống đến tay bà con, Trung tâm đã tổ chức cho tất cả các hộ dân thuộc đối tượng được hưởng lợi đến tham quan, chọn lựa tại các cơ sở giống có uy tín.

Người nghèo xã Tân Khánh (Phú Bình) tham quan, chọn lựa bò giống tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp lúa vàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Người nghèo xã Tân Khánh (Phú Bình) tham quan, chọn lựa bò giống tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp lúa vàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

2 dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo do Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Mỗi hộ dân khi tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 1 con bò cái giống lai Sind có trọng lượng từ 200-220kg (hỗ trợ 100% tiền giống).

Chị Nguyễn Thị Lương, Trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, cho biết: Chất lượng bò giống được hỗ trợ phải đáp ứng một số tiêu chí như: Có nguồn gốc Việt Nam; có màu vàng cánh gián, lông mượt tự nhiên; không bị dị tật, đầu dài, trán dô, tai cúp, yếm phát triển, vai u, chân cao, mình ngắn; bò có từ 15-18 tháng tuổi và đã được tiêm phòng các loại vắc-xin theo quy định.

Không chỉ chú trọng đến chất lượng con giống cung cấp đến người dân, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên còn tổ chức cho các hộ dân được hỗ trợ đến tận nơi cung cấp giống để chọn lựa những con giống cho riêng mình. Đơn cử như ngày 16-7 vừa qua, 20 hộ nghèo, cận nghèo của xã Tân Khánh (Phú Bình) đã được đến thăm quan, chọn lựa con giống tại trại giống của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp lúa vàng, tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Ông Nguyễn Anh Võ, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh, chia sẻ: Trên địa bàn xã hiện còn 98 hộ nghèo và 94 hộ cận nghèo. Sau khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ này, xã đã tiến hành họp và chọn ra những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất để nhận bò. Với việc được tận mắt tham quan, tư vấn, lựa chọn những con bò theo ý mình, người dân ai cũng cảm thấy phấn khởi và yên tâm.

Bà Dương Thị Thủy, ở xóm Ngò, xã Tân Khánh, một trong những hộ dân được nhận bò hỗ trợ, cho hay: Từ kinh nghiệm chăn nuôi bò trước đây nên tôi lựa chọn những con bò cái có chiều cao, cân nặng cân đối, đầu không quá to, mồm bẹ, cổ dài vừa phải, yếm rộng.

Còn bà Nguyễn Thị Lý, ở xóm La Muôi, xã Tân Khánh, nói: Tôi chọn những con bò có phần khung xương sườn phải nở rộng, phần bụng to vừa phải, lưng thẳng, móng chân không được hở, phần mông nở rộng.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số trường hợp các hộ dân sau khi được nhận trâu, bò hỗ trợ lại cho rằng trâu, bò bị bệnh, gầy còm, ốm yếu... Do vậy, việc tổ chức cho các hộ dân được thụ hưởng tham quan thực tế tại các đơn vị cung cấp giống có uy tín của Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên là hết sức cần thiết, góp phần hạn chế được những ý kiến trái chiều sau khi nhận bò.

Để Dự án được triển khai có hiệu quả, ngoài việc tổ chức cho người dân đi tham quan tại các đơn vị cung cấp giống, Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn trước và sau khi nhận bò để phổ biến cho người dân các kiến thức về kỹ thuật chọn giống bò cái sinh sản; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng; kỹ thuật phòng, trị bệnh; kỹ thuật trồng và chế biến thức ăn…

Cùng với đó, cán bộ của Trung tâm cũng đã bám sát địa bàn, phối hợp với các xã, các hộ tham gia dự án để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn quy trình chăm sóc nuôi dưỡng đàn bò nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202407/bao-dam-chat-luong-con-giong-khi-den-tay-nguoi-dan-cf11424/