Bảo đảm chất lượng kỳ thi

Với những ảnh hưởng do dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định giữ ổn định phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 như năm 2019, tạo sự yên tâm, hứng khởi và giảm áp lực cho thí sinh. Các trường đại học, cao đẳng được quyền tự chủ tuyển sinh nhưng phải thực hiện nghiêm các quy định, bảo đảm khách quan, minh bạch... để bảo đảm quyền lợi của thí sinh và chất lượng tuyển sinh 'đầu vào'.

Với quyền tự chủ tuyển sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng được tự lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh; có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) để sơ tuyển hoặc xét tuyển phục vụ tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng… Điều này mở ra nhiều cơ hội lựa chọn với thí sinh, đồng nghĩa với việc cơ hội trúng tuyển đại học, cao đẳng của thí sinh cũng cao hơn.

Dù dành nhiều quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo nhưng để bảo đảm chất lượng của kỳ thi và đầu vào của tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giám sát chặt chẽ kỳ thi tốt nghiệp THPT; tăng cường thanh tra, kiểm tra kỳ thi và hậu kiểm... Đặc biệt, để đánh giá tính nghiêm túc, trung thực trong công tác tổ chức thi của các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đối chiếu kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm trong học bạ của học sinh... Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặt ra yêu cầu với đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, đó là đề thi có thể giảm độ khó nhưng phải có độ phân hóa cần thiết để phân định chất lượng thí sinh.

Có thể thấy, đó là những giải pháp mang tính bộ khung rất căn bản để một kỳ thi quy mô tầm quốc gia đạt chất lượng cao nhất có thể. Song, cơ quan quản lý, các trường đại học, cao đẳng chủ động hơn nữa để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh vẫn là việc rất cần thiết.

Theo đó, kỳ thi phải được tiến hành trung thực, khách quan. Kết quả phải phản ánh đúng thực chất năng lực và trình độ của học sinh. Do đó, các hội đồng thi tốt nghiệp THPT ở các tỉnh, thành phố phải có phương án tổ chức thi chặt chẽ, khoa học, sao cho hạn chế được tối đa sự can thiệp, tác động của con người, quy trình... đến kết quả bài thi.

Kèm theo đó là những giải pháp mang tính kỹ thuật như tăng cường sử dụng công nghệ và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để tăng tính trung thực của kỳ thi; tổ chức chéo hội đồng thi giữa các tỉnh, thành phố. Tin rằng, việc xử lý nghiêm những vụ gian lận thi cử như ở tỉnh Hà Giang, Hòa Bình thời gian qua sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh để không ai còn tư tưởng tiêu cực tìm mọi cách làm thay đổi kết quả bài thi.

Một yếu tố quan trọng nữa, đó là đề thi năm nay phải phù hợp với sự thay đổi của thực tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thời gian ôn luyện của học sinh không nhiều. Do vậy, thầy, cô giáo THPT cần hướng dẫn học sinh chủ động thay đổi cách học để có được kết quả cao nhất.

Về lâu dài, tự chủ trong tuyển sinh vẫn là xu hướng chủ đạo và bảo đảm chất lượng tuyển sinh ngày càng được chú trọng. Do đó, để đánh giá chất lượng giáo dục của một tỉnh, thành phố, bên cạnh “thước đo” về điểm số, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, cũng cần siết chặt tính trung thực, khách quan, công bằng trong các kỳ thi. Từ thực tiễn này, phần mềm quản lý học bạ của thí sinh cần sớm hoàn thiện để phục vụ việc đối chiếu giữa kết quả thi với cả quá trình 3 năm học THPT nhằm đánh giá sát nhất chất lượng đầu vào của thí sinh.

Chủ động bằng những giải pháp khoa học, phù hợp, kỳ thi sẽ vừa bảo đảm được quyền lợi cho thí sinh vừa khẳng định được chất lượng “đầu vào” trong tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đó là mấu chốt mà mọi kỳ thi đều hướng tới.

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/967500/bao-dam-chat-luong-ky-thi