Bảo đảm chất lượng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong hai ngày 9 và 10-8 sẽ cơ bản giữ ổn định hình thức thi như năm 2019, với mục đích đánh giá kết quả học tập của người học, lấy kết quả thi xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nhiều trường đại học đã công bố lấy kết quả thi này làm căn cứ để xét tuyển sinh. Vì vậy, bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức, ngành giáo dục các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ học sinh học, ôn tập, giúp các em yên tâm, tự tin trước khi bước vào kỳ thi để đạt kết quả tốt.

Học sinh Trường THPT Phúc Lợi (quận Long Biên, Hà Nội) trong giờ ôn tập.

Học sinh Trường THPT Phúc Lợi (quận Long Biên, Hà Nội) trong giờ ôn tập.

Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong hai ngày 9 và 10-8 sẽ cơ bản giữ ổn định hình thức thi như năm 2019, với mục đích đánh giá kết quả học tập của người học, lấy kết quả thi xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nhiều trường đại học đã công bố lấy kết quả thi này làm căn cứ để xét tuyển sinh. Vì vậy, bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức, ngành giáo dục các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ học sinh học, ôn tập, giúp các em yên tâm, tự tin trước khi bước vào kỳ thi để đạt kết quả tốt.

Tăng cường dạy học, ôn tập

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên hiện nay học sinh lớp 12 đang trong thời gian "nước rút", các em vừa học chính khóa, vừa tích cực tham gia các lớp ôn tập trong thời tiết nắng nóng kéo dài. Vì vậy, nhiều sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) chỉ đạo các nhà trường giải pháp hiệu quả, căn cơ là xây dựng kế hoạch nhà trường sát thực với đối tượng người học. Theo đó, một nhà trường có thể xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết cho từng nhóm đối tượng học sinh. Nhóm đối tượng học sinh giỏi tham dự kỳ thi với mục đích xét vào các trường đại học tốp đầu có phân phối chương trình riêng, có cách dạy riêng. Nhóm học sinh có nguyện vọng xét đại học vào tốp hai, cũng có yêu cầu riêng. Với nhóm thứ ba chỉ có nguyện vọng đỗ tốt nghiệp, có giáo trình, kế hoạch phân phối chương trình chi tiết riêng. Ðây là giải pháp được triển khai nhiều năm và là giải pháp căn cơ nhất, dạy sát thực với từng đối tượng người học. Do thời gian chuẩn bị gấp, lại trùng với thời gian chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, cho nên công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT tại một số địa phương diễn ra với cường độ rất lớn.

Tại Trường THPT Lê Hồng Phong (TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang) mặc dù thời tiết vào những buổi chiều mùa hè nắng nóng, oi bức nhưng không khí ôn luyện trong các lớp vẫn diễn ra nghiêm túc. Thầy giáo Ngô Duy Viễn, hiệu trưởng nhà trường cho biết, công tác ôn tập cho học sinh khối 12 được tổ chức từ đầu học kỳ II. Ngay cả trong thời gian học sinh nghỉ chống dịch Covid-19, nhà trường cũng yêu cầu đội ngũ giáo viên tương tác qua hệ thống in-tơ-nét để hướng dẫn các em ôn tập. Khi học sinh trở lại trường, giáo viên tổ chức các lớp ôn tập bám sát nội dung chương trình giảm tải của Bộ GD và ÐT nhằm bảo đảm trang bị kiến thức cơ bản cho học sinh thi tốt nghiệp, học sinh khá hơn thì tập trung ôn luyện kiến thức nâng cao.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội), nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 theo hướng tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu đổi mới kỳ thi. Căn cứ vào phương án, cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD và ÐT, nhà trường xây dựng nội dung và phương pháp ôn tập phù hợp với từng môn. Việc ôn thi được xây dựng và thực hiện theo bốn giai đoạn. Giai đoạn một, tập trung ôn tập, củng cố kiến thức đã học cho học sinh trong dịp nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, kết hợp học trên truyền hình, luyện tập trên trang Hanoistudy; giai đoạn hai, căn cứ trên kết quả khảo sát đợt một, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phối hợp phân tích kết quả học tập của học sinh, điều chỉnh kế hoạch của cá nhân thông qua đợt thi học kỳ để chuẩn bị cho khảo sát đợt hai; giai đoạn ba, tập trung ôn luyện theo chuyên đề, đề thi theo dạng đề tham khảo của Bộ GD và ÐT; giai đoạn bốn, nhà trường sẽ phân tích kết quả thi của học sinh thông qua ba đợt khảo sát, từ đó định hướng, hướng dẫn các em ôn tập trong thời gian ba tuần cuối cùng.

Tại Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) có 10 lớp 12 đang được tổ chức ôn thi theo phân ban (các môn xét tuyển đại học), ôn theo lớp (các môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ). Nhà trường luôn quan tâm đến học sinh yếu kém, mặc dù mỗi năm bình quân chỉ có vài em nhưng vẫn tổ chức lớp ôn tập bảo đảm đạt mục tiêu đỗ tốt nghiệp toàn trường ở mức cao. Học sinh Ðỗ Tuấn Minh, lớp 12 A1 cho biết: "Em cảm thấy khá căng thẳng trong kỳ thi sắp tới vì có rất nhiều bài học cần ôn tập, lượng kiến thức cần phải rà soát lại là rất lớn. Vì vậy, phải cân bằng thời gian học ở nhà, thời gian học trên lớp và học thêm. Ở nhà, em dành từ một - hai tiếng tập trung ôn những môn thi để xét công nhận tốt nghiệp và các môn xét tuyển đại học. Tại các buổi học thêm, em chủ động học hơn thay vì ngồi nghe giảng".

Ðề cao ý thức và trách nhiệm

Yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là tăng cường hơn về tính tự chủ của các địa phương. Theo đó, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương mình. Bộ GD và ÐT chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế thi, các văn bản hướng dẫn; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi... Do vậy, các địa phương cần vào cuộc tích cực, sớm thành lập các ban chỉ đạo thi, hội đồng thi, điểm thi; xây dựng các phương án trong tổ chức kỳ thi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian chuẩn bị cho kỳ thi năm nay ngắn hơn so với mọi năm. Qua bài học từ vụ việc tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang và đặc thù của kỳ thi năm nay, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh Hà Giang và Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh là phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế. Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các ngành chức năng, các cơ quan truyền thông của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả các lực lượng tham gia kỳ thi để nâng cao ý thức và trách nhiệm. Bên cạnh đó, đặc biệt quan tâm khâu lựa chọn nhân sự tham gia Ban chỉ đạo thi, hội đồng thi, các ban của hội đồng thi và đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác thi, bảo đảm lựa chọn người có đủ phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm. Ðối với các thành viên trong Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian chuẩn bị và tổ chức thi, các thành viên phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo với lãnh đạo tỉnh và Ban chỉ đạo để có hướng xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc xảy ra. Hà Giang là tỉnh miền núi, trong thời gian diễn ra kỳ thi cũng là thời điểm thường xuyên xảy ra mưa lũ, do đó, để kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối và bảo đảm cho các thí sinh tham gia dự thi đầy đủ, tỉnh Hà Giang cũng chỉ đạo các huyện thành lập ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT. Ban chỉ đạo thi các huyện, thành phố có trách nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ với trưởng các điểm thi trên địa bàn để phối hợp thực hiện công tác hỗ trợ về cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí hỗ trợ thí sinh, xử lý các vấn đề khi xảy ra mưa lũ, bảo đảm an ninh trật tự. Hiện nay, công tác chuẩn bị đang được các cấp, ngành ở tỉnh Hà Giang khẩn trương triển khai.

Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Bắc Giang Bạch Ðăng Khoa cho biết, những năm gần đây, trong chỉ đạo các kỳ thi, sở luôn thực hiện nghiêm ngặt các bước đúng quy trình. Không chỉ tuân thủ quy trình của Bộ GD và ÐT đưa ra, ngành giáo dục Bắc Giang còn nhấn mạnh vai trò, ý thức, trách nhiệm, lòng tự trọng nghề nghiệp của người tham gia tổ chức kỳ thi. Sở GD và ÐT Bắc Giang đã, đang thực hiện tăng cường tập huấn quy chế thi, nghiệp vụ tổ chức thi đến đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác thi. Năm nay, các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi như các năm trước; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi. Vì vậy, sở tăng cường việc điều động cán bộ coi thi theo hướng tại mỗi điểm thi, người đến coi thi không thuộc đơn vị và không có học sinh của đơn vị mình đến coi thi. Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các sở, ban, ngành thực hiện kỳ thi an toàn; phối hợp công an thực hiện in sao, vận chuyển đề thi, bài thi... Mặc dù năm nay không có sự tham gia, phối hợp coi thi, chấm thi của trường đại học nhưng vai trò, trách nhiệm của địa phương được tăng cường hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có một số điểm mới cho nên tất cả nhân sự tham gia làm công tác thi phải hiểu kỹ, nắm chắc quy chế để triển khai thực hiện hiệu quả. Các địa phương cần đặc biệt chú ý lựa chọn nhân sự tham gia làm công tác thi vừa vững chuyên môn, vừa có đạo đức, trách nhiệm. Khi lựa chọn đúng người, giao đúng việc, tập huấn kỹ lưỡng để nhân sự nắm chắc quy chế, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, tăng cường thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi và xử lý tốt các tình huống phát sinh, sẽ góp phần bảo đảm kỳ thi an toàn, đạt kết quả tốt. Bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, lựa chọn nhân sự, Bộ GD và ÐT yêu cầu các địa phương tổ chức dạy học, ôn thi tốt nghiệp THPT bảo đảm nghiêm túc; yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng tăng cường kỹ năng vận dụng kiến thức của học sinh; nghiêm cấm việc cắt xén chương trình. Thực hiện nghiêm túc việc ra đề kiểm tra; làm tốt việc đánh giá, xếp loại học sinh cả năm học theo đúng quy định của Bộ GD và ÐT. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nội dung ôn tập kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo chương trình giáo dục THPT, trong đó tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12; chú ý các nội dung dạy học đã được điều chỉnh; lưu ý hướng dẫn giáo viên và học sinh tham khảo, làm quen với định dạng của đề thi tham khảo (đã công bố). Xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng; tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập, không gây quá tải, bảo đảm sức khỏe của học sinh. Tiếp tục tổ chức cho học sinh ôn tập kết hợp giữa hình thức trực tiếp và qua in-tơ-nét, trên truyền hình để nâng cao chất lượng, hiệu quả...

Quý Tùng và Khánh Toàn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/44960802-bao-dam-chat-luong-ky-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong.html