Bảo đảm chi ngân sách tối thiểu 20% cho giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý, năm học 2024-2025 là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm, các Sở GD&ĐT cần tham mưu cho lãnh đạo địa phương nhằm chủ động vấn đề chi ngân sách cho giáo dục.

Trong 2 ngày 22-23/7, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2024. Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024. Đề xuất phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, đảm bảo ngân sách tối thiểu, cơ sở vật chất sẵn sàng cho năm học mới.

Năm học 2023-2024 với chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo", ngành giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra theo Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học.

Toàn ngành Giáo dục đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, qua đó, đánh giá toàn diện kết quả 10 năm đổi mới và đề xuất phương hướng tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.

Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước.

Việc thực hiện "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào các ngày 27 - 28/6 đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.

Tại hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT đã trao đổi về những kết quả đạt được, những kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ giáo dục tại địa phương.

Với hơn 2.913 trường học, tăng 39 trường so với năm ngoái và hơn 2,3 triệu học sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương thông tin năm học vừa qua, ngành giáo dục Thủ đô đã luôn cố gắng để đảm bảo chất lượng giảng dạy và có những bước đi khởi sắc.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ tại hội nghị.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ tại hội nghị.

Trong đó, một số vấn đề của ngành giáo dục như đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, phát triển mô hình các trường chất lượng cao, phát triển giáo dục mũi nhọn của thành phố, các quy định về quy chuẩn trường học, dịch vụ trong giáo dục… đã được quy định tại Luật Thủ đô, qua đó tạo điều kiện cho giáo dục Hà Nội phát triển.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của năm học 2023-2024 trong tiến trình đổi mới giáo dục. Đồng thời khẳng định đây là năm học thành công.

"Toàn ngành đã rất nỗ lực, cố gắng, cả trong thầm lặng và cả hưởng ứng các cuộc vận động để có được năm học đạt được các mục tiêu đề ra", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh ghi nhận kết quả, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ ra cũng những khó khăn, tồn tại cần khắc phục và nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp của toàn ngành trong năm học 2024-2025.

Theo Bộ trưởng, năm học 2024-2025 là năm với rất nhiều những yêu cầu, nhiệm vụ và thời điểm hết sức quan trọng của ngành.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Để thực hiện triển khai có hiệu quả các mục tiêu đặt ra cho năm học mới, Bộ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29; các chủ trương, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng, Quốc hội.

Năm học 2024-2025 là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm, do đó, Bộ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT lưu ý tham mưu lãnh đạo địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm 2025-2030 để địa phương chủ động đầu tư cho giáo dục. Cùng với đó là tham mưu bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục là 20%.

"Chúng ta cũng lưu ý khai thác chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi đối với các tỉnh thành, như Hà Nội có Luật Thủ đô, hoặc các chính sách đặc thù với Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Nghệ An... Tuy mức độ có khác nhau nhưng đều có thể khai thác được những điểm có lợi để phát triển giáo dục. Từ thí điểm đặc thù có thể nhân rộng các địa phương khác", Bộ trưởng nói.

Nhấn mạnh ưu tiên và tập trung cao cho đổi mới giáo dục phổ thông các lớp cuối cấp, Bộ trưởng đồng thời đề nghị các Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu địa phương quan tâm đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, chuẩn bị phương án để bảo đảm kiên cố hóa 100% cơ sở giáo dục đến năm 2030. Phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bao-dam-chi-ngan-sach-toi-thieu-20-cho-giao-duc-204240723173518498.htm