Bảo đảm cơ sở pháp lý việc thu thuế VAT với giao dịch thương mại điện tử

Dự thảo Luật bổ sung các quy định về người nộp thuế, cách thu thuế, bảo đảm cơ sở pháp lý việc thu thuế giá trị gia tăng với các giao dịch thương mại điện tử.

Về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), có ý kiến đề nghị không áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp (với thuế suất 5% trên doanh thu) đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên cơ sở nền tảng số.

Hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử

Hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về nguyên tắc, tương tự như hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam chịu mức thuế suất phổ thông 10% (hoặc 5% tùy mặt hàng) trên trị giá nhập khẩu, dịch vụ khi nhập khẩu vào Việt Nam cũng cần phải chịu mức thuế suất phổ thông 10% tính trên giá nhập khẩu; ở khâu nhập khẩu không đặt ra vấn đề nhà xuất khẩu nước ngoài áp dụng phương pháp nào để tính toán nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng.

Các phương pháp tính thuế (khấu trừ đầu ra với đầu vào hoặc tính trực tiếp trên doanh thu) đều chỉ để áp dụng cho các đối tượng nộp thuế trong nước.

Dự thảo Luật, trên cơ sở Thông tư số 80/2021/TT-BTC đã lấy phương pháp tính thuế trực tiếp (với mức thuế suất thuế 5% trên doanh thu) để áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên nền tảng số (là nhà xuất khẩu nước ngoài) là chưa vững về cơ sở pháp lý và không phù hợp bản chất và thông lệ quốc tế và trên thực tế đang có nhiều vướng mắc trong thực hiện.

Hiện, không có quốc gia nào trên thế giới áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất tiêu chuẩn đối với các giao dịch qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số.

Trong khi đây là dịch vụ nhập khẩu vào Việt Nam, việc áp mức thuế thấp hơn thuế suất phổ thông 10% dẫn đến hụt thu ngân sách nhà nước, gây ra sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp trong nước cung cấp các dịch vụ tương tự.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định rõ việc không áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên nền tảng số và các dịch vụ này sẽ được áp dụng mức thuế suất phổ thông 10% khi bán vào Việt Nam.

Về cách thu thuế giá trị gia tăng, ông Lê Quang Mạnh cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý, bổ sung các quy định về người nộp thuế và cách thu thuế, về hóa đơn chứng từ, để bảo đảm cơ sở pháp lý của việc thu thuế giá trị gia tăng đối với các giao dịch thương mại điện tử.

Theo đó, quy định cụ thể về người nộp thuế trong các trường hợp và giao Chính phủ quy định chi tiết về người nộp thuế trong trường hợp người mua là tổ chức kinh doanh trong nước để bảo đảm thống nhất, rõ ràng trong thực hiện và đáp ứng nhu cầu quản lý.

Đồng thời, quy định rõ về hóa đơn chứng từ để các tổ chức kinh doanh trong nước được thực hiện khấu trừ thuế đầu vào khi mua dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài nhằm giải quyết các vướng mắc hiện nay cho các doanh nghiệp trong nước; bổ sung quy định về người nộp thay cho các cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử trong nước là các tổ chức quản lý sàn có chức năng thanh toán.

"Đây là những nội dung được bổ sung để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thu ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực thương mại điện tử, thể hiện sự rõ ràng và bảo đảm cơ sở pháp lý cho thực hiện" - ông Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.

Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật đã trình tại Kỳ họp thứ 7, theo đó, giữ nguyên cơ sở pháp lý hiện hành để thu thuế 5% đối với thương mại điện tử là Thông tư số 80/2021/TT-BTC, không đưa vào dự thảo Luật các quy định cụ thể cho lĩnh vực thương mại điện tử.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-dam-co-so-phap-ly-viec-thu-thue-vat-voi-giao-dich-thuong-mai-dien-tu-339870.html