Bảo đảm công bằng trong thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao việc Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sửa đổi quy định theo hướng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế, nhằm bảo đảm thu đúng, thu đủ, tạo thuận lợi, công bằng cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
Giải quyết sự chênh lệch giữa trữ lượng thăm dò và sản lượng thực tế
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thời gian qua, việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản gặp nhiều bất cập. Theo đó, việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt chưa đảm bảo tính chính xác; thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ. Mặt khác, trong trường hợp khai thác không đủ trữ lượng được cấp phép hiện chưa có quy định về việc hoàn trả tiền cấp quyền.
Thực tế, qua công tác kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, việc thực hiện đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản còn nhiều vi phạm, như nhiều địa phương chậm thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phê duyệt kế hoạch đấu giá nhưng không thực hiện, vi phạm thủ tục đấu giá; công tác quản lý, theo dõi tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đầy đủ…
Lý giải rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính theo trữ lượng khai thác và không phụ thuộc vào trữ lượng khai thác thực tế, vì vậy có nhiều biến động. Khi điều tra cơ bản địa chất cho khai thác khoáng sản thì có nhiều mỏ không thể đánh giá được trữ lượng tuyệt đối, mà tiền cấp quyền thì được tính theo kết quả điều tra thăm dò khoáng sản, nên độ chính xác chỉ bảo đảm tương đối.
Để khắc phục những bất cập này, đảm bảo tính toán tiền cấp quyền hợp lý, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua quy định: Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.
Phương pháp xác định, phương thức thu, quyết toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản:
1. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở các căn cứ sau:
a) Trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi;
b) Giá tính thuế tài nguyên khoáng sản;
c) Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
2. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
(Trích: Điều 103, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7)
Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và được thu theo năm, quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế như quan điểm của Chính phủ tại Dự thảo Luật là phù hợp. Bởi vì, với phương án này, tiền cấp quyền nộp theo năm sẽ giúp doanh nghiệp không mất khoản chi phí lớn tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Việc quyết toán tiền cấp quyền theo sản lượng thực tế sẽ giải quyết vấn đề chênh lệch giữa trữ lượng thăm dò với sản lượng thực tế. Bên cạnh đó, nếu tính tiền cấp quyền chỉ căn cứ trên cơ sở sản lượng thực tế thì có thể trùng với thuế tài nguyên.
Quyết toán theo sản lượng thực tế sẽ công bằng hơn
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, qua thảo luận, nhiều ĐBQH cũng bày tỏ đồng tình, đánh giá cao quy định về phương pháp xác định, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo đề xuất của Chính phủ.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận), thực tế hiện nay phần lớn các doanh nghiệp hoặc các đơn vị khai thác thường khai thác vượt mức trữ lượng được cấp phép, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước, cũng có thể xảy ra các rủi ro cho tổ chức, cá nhân khi bị thanh tra, kiểm tra hay điều tra. Mặt khác, hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã đấu giá được quyền khai thác khoáng sản, được cấp phép và tiến hành nộp tiền nhưng thực tế doanh nghiệp không bao giờ khai thác được khoáng sản, vì đất có trữ lượng khoáng sản đưa ra đấu giá phần lớn là đất của người dân. Khi doanh nghiệp trúng đấu giá và chủ đất không thể thỏa thuận được thì doanh nghiệp không thể tiến hành khai thác được và không có tiền nộp vào ngân sách. Vì vậy “phương án tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế là phù hợp nhất” - đại biểu nhấn mạnh.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng và thu theo năm, quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế là phù hợp. Vì nộp tiền theo năm sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế chi phí tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Việc quyết toán tiền theo sản lượng thực tế sẽ công bằng hơn, vì có khi thăm dò sản lượng không được chính xác. Như vậy sẽ có lợi cho nhà đầu tư, cũng như Nhà nước khi trữ lượng khai thác có thể không chính xác lúc khảo sát, thăm dò.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) đánh giá, đề xuất của Chính phủ trong lần sửa đổi Luật Khoáng sản lần này, liên quan đến quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế sẽ khắc phục được hai hạn chế của quy định cũ, đó là tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng khoáng sản được phê duyệt, mà trữ lượng này thường hay bị sai số. Bên cạnh đó, quy định hiện hành về tiền cấp quyền khoáng sản gây khó khăn, sự không công bằng cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và chưa đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Quan tâm đến cơ sở để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) cho biết, một trong những cơ sở để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là giá tính thuế tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, bảng giá tính thuế tài nguyên khoáng sản của các địa phương do UBND cấp tỉnh quy định và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác theo cơ chế thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng cùng một loại khoáng sản nhưng sẽ không có sự đồng nhất về mức giá giữa các địa phương, nên việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với cùng một loại khoáng sản giữa các địa phương cũng khác nhau.
Từ thực tế đó, đại biểu Luận đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét không quy định sử dụng giá tính thuế tài nguyên khoáng sản làm căn cứ để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thay vào đó nên xây dựng bảng giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cụ thể cho các loại khoáng sản khác nhau, áp dụng chung cho tất cả các địa phương để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện./.