Bảo đảm công bằng trong xét tuyển đại học: Sẽ xem xét các phương án tuyển sinh
Mùa tuyển sinh năm nay, một lần nữa phương thức xét tuyển sớm nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ lãnh đạo các trường đại học. Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, nên hạn chế phương thức này, chỉ xét tuyển sớm với những ngành đặc thù, trọng yếu…
Đề xuất bỏ phương thức xét tuyển học bạ sớm
Từ nhiều năm qua, xét tuyển học bạ vẫn luôn là câu chuyện gây tranh cãi. Đặc biệt ở mùa thi năm nay, là năm cuối cùng của kỳ thi theo chương trình cũ, nên phần lớn thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp đã yên tâm đỗ ĐH, chủ yếu qua hình thức xét tuyển học bạ. Sẽ không có gì đáng bàn nếu điểm học bạ không bị “làm đẹp”, mà đúng với thực lực học sinh, không bị chênh giữa điểm thi và điểm học bạ. Cũng như sinh viên theo học sẽ không bị “sốc” với chương trình học ở bậc ĐH…
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, ngành Giáo dục đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ phổ thông đến đại học. Việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, nên thời gian tới cần xem xét. “Các cháu trúng tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại. Các trường chỉ yên tâm cho số sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt”.
Về công tác tuyển sinh năm 2025, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền băn khoăn, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có 2 môn bắt buộc là Toán, Văn và hai môn tự chọn. Từ đây, có thể sinh ra rất nhiều tổ hợp xét tuyển. Do đó, Bộ GD&ĐT cần có định hướng cho các cơ sở đào tạo về xây dựng phương thức xét tuyển nếu không sẽ hỗn loạn. Ngoài ra, cần xem xét các phương thức xét tuyển sớm, nhất là phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT để tránh mất công bằng cho thí sinh.
Trước đó, PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM đề xuất bỏ phương thức xét tuyển sớm. Theo ông Phúc, hiện nhiều trường xét tuyển trước khi năm học kết thúc cả một học kỳ, thí sinh chưa hoàn thành chương trình THPT. Sau đó, một số cán bộ tư vấn thí sinh đặt nguyện vọng đỗ sớm lên đầu khi đăng ký xét tuyển chung. Dù biết như vậy là không đúng nhưng họ vẫn tư vấn cho thí sinh, dẫn đến thiếu công bằng, làm mất cơ hội của thí sinh. Ông Phúc cũng cho rằng, việc đưa ra nhiều phương thức xét tuyển rồi chia phần trăm khác nhau cho từng phương thức là không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau.
Đại học Bách khoa TP HCM xét tổng hợp nhiều tiêu chí từ năm 2022, gồm điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đánh giá năng lực, thành tích học tập, hoạt động xã hội, văn thể mỹ. Ngay trong năm đó, 8.500 thí sinh đăng ký vào trường. Năm nay, con số này 17.200. Theo ông Phúc, việc tuyển sinh tổng hợp các tiêu chí là công bằng.
Năm 2023, 214 trong 322 trường xét tuyển sớm, không dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 em đặt làm nguyện vọng 1 (gần 40%). Trong các phương thức xét tuyển sớm, nhiều trường xét bằng học bạ từ tháng 1, sử dụng điểm học bạ của 3 hoặc 5 học kỳ, không bao gồm kỳ II lớp 12. Một số trường công bố điểm chuẩn ngay trong tháng 3. Khi đó, học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 trong khi kiến thức bậc THPT chủ yếu rơi vào năm học này. Kỳ II lớp 12 cũng là thời gian để các em tích lũy thành tích như giải học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế. Vì vậy, nếu xét tuyển quá sớm, nguồn dữ liệu có thể không đầy đủ.
Theo PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng: “Đa phần học sinh khi đã trúng tuyển sớm gần như không tập trung hết khả năng để thi tốt nghiệp THPT vì các em chỉ cần đỗ tốt nghiệp, không cần đạt điểm cao”.
Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, tỷ lệ ảo của phương thức xét tuyển sớm những năm vừa qua ở mức rất cao, khoảng 200 - 300%. Khi xét tuyển sớm, dữ liệu về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên chưa có nên khi hậu kiểm phát hiện có nhiều sai sót. Do vậy, từ năm 2025, Bộ GD&ĐT nên có quy định “chỉ được công bố trúng tuyển sau khi thí sinh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Công - Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên, từ năm 2025, cần xem xét lại phương thức xét tuyển sớm, đồng thời nên hạn chế phương thức này, tốt nhất chỉ xét tuyển sớm với những ngành đặc thù, trọng yếu.
Nguồn tuyển dồi dào, không nên “chen lấn, xô đẩy”
Luật Giáo dục đại học cho phép đại học tự chủ tuyển sinh. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện các trường sử dụng hơn 20 cách xét tuyển. Bộ nhiều lần khuyến khích các trường dùng điểm tốt nghiệp để xét đầu vào bởi cho rằng có độ tin cậy, bớt tốn kém, bảo đảm công bằng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chỉ ra những hệ lụy của việc xét tuyển đại học sớm và bày tỏ mong muốn trong quá trình tự chủ, các trường đại học cũng cần đề cao hơn tinh thần trách nhiệm xã hội. “Các trường ĐH chỉ muốn yên tâm về số thí sinh sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, do đó điểm chuẩn rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học top. Về việc này, phía Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào trong định hướng công tác tuyển sinh đại học của năm sau”, ông Sơn nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý các trường không nên có quá nhiều các phương thức xét tuyển. “Càng đơn giản càng tốt, thuận cho thí sinh và xã hội. Các phương thức đừng nhiều quá, phức tạp quá”, ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm. Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định và vì việc này, có thể Bộ GD&ĐT sẽ phải tăng thêm một số khung/chế tài để điều tiết.
Ông Sơn cũng cho hay, kết quả cũng cho thấy, nguồn tuyển dồi dào, trường nào uy tín thì không lo. “Vì vậy không có gì phải “chen lấn xô đẩy”. Trong tự chủ, các trường cần đề cao hơn tinh thần trách nhiệm xã hội”.
Theo Bộ trưởng, các trường phải hướng đến việc đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng gia tăng về số lượng, chất lượng. Bộ trưởng Sơn cho biết, số học sinh vào lớp 1 năm nay tới 1,9 triệu em. Số học sinh bình quân mỗi khối lớp (từ lớp 2 đến lớp 11) là khoảng 1,63 triệu em, trong khi số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa qua là khoảng 1,1 triệu. “Như vậy, điều này cho thấy rất lạc quan về mặt số lượng nguồn tuyển vào đại học hằng năm. Với tỷ lệ này, con số những người vào học đại học sẽ tăng đáng kể từng năm một. Chúng ta cần chuẩn bị chỗ cho người học nhưng điều quan trọng nữa là vấn đề chất lượng”, Bộ trưởng nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, xét tuyển sớm có ưu điểm và nhược điểm. Về ưu điểm, xét tuyển sớm giúp các trường chủ động hơn, giảm tải áp lực cho cả thí sinh và cho các trường. Ngược lại, phương thức này cũng tạo tâm lý lo lắng cho thí sinh bởi khi thấy bạn bè xét tuyển sớm mình cũng phải lo xét tuyển sớm. Điều đáng nói, những thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm cũng xuất hiện tư tưởng chủ quan, xao nhãng trong học tập. Với cơ sở giáo dục, xét tuyển sớm làm tăng lượng thí sinh ảo, các trường khó dự báo tỷ lệ nhập học. Đặc biệt, xét tuyển sớm cũng dẫn đến thiếu công bằng trong tuyển sinh. Khi tăng chỉ tiêu xét tuyển sớm, các trường sẽ giảm chỉ tiêu từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này khiến điểm chuẩn của phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT tăng lên và làm hạn chế cơ hội cho những thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Đáng lưu ý, hiện tượng thiếu công bằng này không phải chỉ xuất hiện ở một trường mà rất nhiều trường.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nếu xét tuyển sớm nếu dành cho tuyển thẳng, thí sinh rất tài năng, năng khiếu hay trường có thể nhận thoải mái mà không lo chỉ tiêu thì rất tốt. Nhưng nếu không kiểm soát được chỉ tiêu, sẽ dẫn đến mất công bằng. Thực tế, trong những năm qua, việc đa dạng phương thức xét tuyển giúp các trường đại học có thêm sự lựa chọn các tiêu chí đánh giá phù hợp hơn với đặc điểm ngành nghề đào tạo của mình. Thí sinh cũng có thêm lựa chọn để phù hợp với năng lực, sở trường của từng em. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để bảo đảm sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển? Đây là vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta phải quan tâm trong công tác tuyển sinh.
Để có căn cứ đánh giá sự công bằng khi một ngành của một trường đại học đồng thời sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường xây dựng, thực hiện phân tích dữ liệu để đánh giá mối tương quan giữa tuyển sinh đầu vào với kết quả học tập của các em. Quy định này có sẵn trong quy chế. Dù quy chế cũng chỉ mới ban hành năm 2022, đến giờ trường mới có sinh viên năm 2 kể từ khi thực hiện quy chế. Tuy nhiên, hầu hết các trường cũng đã đánh giá, có báo cáo về việc này.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT cùng các trường đại học sẽ thảo luận về việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh để thống nhất toàn hệ thống có cách làm tốt hơn, để có sự công bằng cho thí sinh.