Bảo đảm công khai, minh bạch, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng

Ngày 15-1, trong chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ năm (Quốc hội khóa XV), Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Dự thảo luật được đánh giá là phức tạp, chuyên sâu, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô cũng như đời sống kinh tế - xã hội. Tham gia ý kiến vào dự thảo luật, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần tăng cường bảo đảm tính minh bạch, công khai, an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp khi vay hoặc gửi tiền.

Hạn chế việc ngân hàng bị lợi dụng, chi phối

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, việc hoàn thiện dự thảo luật nhằm đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có tính kế thừa, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế.

Đồng thời, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, khả năng chống chịu của hệ thống; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng. Dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều, tăng 7 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV).

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Ảnh: TRẦN NGUYÊN

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Ảnh: TRẦN NGUYÊN

Một trong những vấn đề được dư luận xã hội cũng như nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là giải pháp để khắc phục tình trạng tổ chức tín dụng, ngân hàng cho vay tập trung vào một hoặc một vài cá nhân, tổ chức và những người liên quan. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn, nhất là khi những người vay không có tài sản bảo đảm, không có khả năng trả nợ.

Dự thảo luật quy định một số trường hợp không được cấp tín dụng như: Thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc của tổ chức tín dụng đó và vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của những người này... Ngoài ra, nhiều đối tượng khác cũng bị hạn chế cấp tín dụng, trong đó có cổ đông của tổ chức tín dụng.

Để hạn chế thấp nhất tác động đối với kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) ủng hộ chủ trương giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm dần tổng dư nợ của một khách hàng cụ thể và người liên quan. Tuy nhiên, cần dự liệu và giải quyết khó khăn có thể đặt ra, như việc kém hấp dẫn của môi trường tín dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, nên cân nhắc thêm quy định phân loại tổ chức tín dụng theo tổng số vốn tự có tương ứng với tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng khác nhau, không nên cào bằng, áp dụng chung một mức cho tất cả ngân hàng thương mại.

Cùng với giảm giới hạn cấp tín dụng, dự thảo luật cũng đưa ra lộ trình cụ thể trong 5 năm từ khi luật có hiệu lực (dự kiến đến năm 2029) nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng. Từ đó, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các đối tượng khách hàng khác.

Lo ngại về việc có những ngân hàng yếu kém, vi phạm trong quản trị, điều hành, không bảo đảm an toàn, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần can thiệp sớm vào các ngân hàng này. Tại dự thảo luật, UBTVQH đã chỉnh lý theo hướng quy định giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm, ví dụ như khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro, tránh tình trạng có tổ chức tín dụng đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động, đến khi phát hiện thì đã muộn.

Cần luật hóa để xử lý ngân hàng ép người dân mua bảo hiểm

Quy định trong dự thảo luật về việc cho phép ngân hàng làm đại lý bảo hiểm nhận được nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội. Có ý kiến cho rằng, ngân hàng bán bảo hiểm phù hợp với thông lệ quốc tế, không nên vì một vài trường hợp làm sai mà cấm và cần phải có cơ chế để giám sát việc này, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan.

Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định không cho phép các tổ chức tín dụng liên kết với các công ty bảo hiểm hoặc giao cho nhân viên ngân hàng vận động khách hàng mua bảo hiểm. Đồng thời, cần luật hóa việc xử lý đối với hành vi ép người dân phải mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Dự thảo luật quy định, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phản ánh thực tế khi ngân hàng nhận liên kết với bảo hiểm thì buộc nhân viên ngân hàng phải bằng mọi cách vận động khách hàng mua bảo hiểm. Do vậy, cần xem xét, cân nhắc lại sự cần thiết của quy định cho phép ngân hàng làm đại lý bảo hiểm. Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nhìn nhận, việc bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại đã kéo các ngân hàng, các công ty bảo hiểm nhân thọ bỏ qua ranh giới nghề nghiệp, uy tín để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị, nếu không cấm bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại thì cần bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm do những ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như người gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Một số quy định khác của dự thảo luật cũng được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến, trong đó, để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, nhất là nếu ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, dự thảo luật quy định, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và tổ chức tín dụng khác để trả cho người gửi tiền và thực hiện phương án phục hồi, chuyển giao bắt buộc.

Phát biểu làm rõ một số vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, dự thảo luật đã bám sát các chính sách, nguyên tắc lớn để nâng cao khả năng quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, tránh tình trạng các tổ chức tín dụng bị thao túng, chi phối, lạm quyền. Nâng cao trách nhiệm tự thân, tự chủ của các tổ chức tín dụng và những người quản trị, điều hành.

Dự thảo luật cũng hoàn thiện các yêu cầu về minh bạch hóa thông tin, đặc biệt là cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nội bộ các tổ chức tín dụng cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan như Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành... Một số vấn đề cụ thể của dự thảo luật sẽ được cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm hài hòa, phù hợp trước khi trình Quốc hội thông qua dự kiến tại Kỳ họp bất thường này.

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bao-dam-cong-khai-minh-bach-an-toan-he-thong-cac-to-chuc-tin-dung-761491