Bảo đảm công tác cứu nạn trên biển
Những năm qua, công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển luôn được các lực lượng có liên quan và địa phương ven biển xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản của ngư dân.
Thanh Hóa có đường bờ biển dài trên 102km, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng gần 17.000km2. Toàn tỉnh hiện có 6.044 tàu cá với 21.690 lao động trực tiếp trên biển. Trong đó, có 4.241 tàu cá chiều dài dưới 12m hoạt động vùng bờ; 709 tàu cá chiều dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động vùng lộng; 1.094 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi.
Số lượng tàu cá nhiều, tuy nhiên đa số là cũ, tuổi phương tiện cao trung bình trên 15 năm. Do khai thác hiệu quả thấp không có kinh phí để duy tu, sửa chữa nên vỏ tàu, máy chính cũng như trang thiết bị bị xuống cấp. Bên cạnh đó biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến khó lường làm cho các luồng lạch bị bồi lắng gây nguy cơ lớn đến bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên biển. Ngoài ra, do ngư trường hoạt động rộng trong khi cán bộ, công chức trực trạm bờ và thực hiện công tác TKCN chủ yếu là kiêm nhiệm; công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng điều khiển, vận hành tàu cá của ngư dân còn hạn chế... đang là những khó khăn ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn tàu cá và thực hiện các giải pháp phòng chống thiên tai (PCTT), cứu hộ cứu nạn trên biển.
Trước thực trạng trên, để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, TKCN trên biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư lắp đặt trạm bờ (giao cho Chi cục Thủy sản quản lý và vận hành), hỗ trợ tích cực cho công tác phối hợp TKCN trên biển. Ông Lê Văn Hân, Cảng trưởng Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn), cho biết: “Thông qua các kênh thông tin, cảng đã nắm tình hình hoạt động cũng như tai nạn, sự cố của tàu cá khi hoạt động trên biển. Đồng thời, chủ động kêu gọi phương tiện hoạt động trên các vùng biển có diễn biến thời tiết xấu kịp thời trú tránh an toàn, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Cảng bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để hỗ trợ tàu cá cập cảng, giám sát tàu cá. Ngoài ra, cảng còn phối hợp với lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng tuyến biển tăng cường lực lượng, phương tiện thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển và kiên quyết không cho tàu cá xuất bến khi không đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị PCTT theo quy định”.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTT, TKCN, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã duy trì hoạt động 4 đài canh TKCN ven biển, thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết; duy trì thông tin 2 chiều giữa bờ với tàu ngư dân hoạt động trên biển để sẵn sàng tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc liên quan đến bảo vệ chủ quyền, TKCN trên biển. Khi xuất hiện bão hay áp thấp gần bờ, các đơn vị thường trực 100% quân số, sẵn sàng công tác TKCN theo lệnh của cấp trên, khi có tình huống xảy ra. Duy trì chặt chẽ chế độ trực các đài canh TKCN 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin liên quan đến công tác PCTT, TKCN của ngư dân hoạt động trên biển báo về. Các địa phương ven biển đã thành lập 5 trung đội dân quân biển và biên chế lực lượng trên các tàu có công suất từ 360 đến 450CV, cùng đầy đủ trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, hệ thống thông tin liên lạc trên biển. Trước mỗi mùa mưa bão, đơn vị chức năng đã tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cứu hộ trên biển cho lực lượng dân quân tự vệ và ngư dân. Ngoài ra, tại các địa phương ven biển đã thành lập được 389 tổ đoàn kết trên biển, với 1.975 tàu cá, thu hút trên 14.290 lao động tham gia, thường xuyên hoạt động trên các vùng biển của tỉnh và các ngư trường trên cả nước. Trong những năm qua, các tổ đội khi khai thác trên biển đã kịp thời hỗ trợ các tàu cá gặp sự cố, hạn chế tai nạn trên biển, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.
Theo chi cục thủy sản, nhằm chủ động công tác PCTT, TKCN trên biển, đơn vị đang tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao nhận thức về công tác TKCN, phát huy vai trò của các tổ đoàn kết trên biển trong công tác TKCN. Chi cục thường xuyên phối hợp các trạm kiểm soát biên phòng tuyến biển kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến phải đảm bảo các điều kiện về an toàn hàng hải, đảm bảo thông tin liên lạc của tàu thuyền trước khi rời bến. Kịp thời nhắc nhở, kiên quyết xử lý, ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về việc đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển. Đồng thời, khai thác có hiệu quả hệ thống giám sát hành trình trên tàu cá, trạm bờ phục vụ nhiệm vụ kêu gọi, huy động phương tiện để phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia TKCN khi có sự cố xảy ra.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-dam-cong-tac-cuu-nan-tren-bien-223008.htm