Bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng phải đi trước
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND, ngày 27/1/2023 về thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 27/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
UBND tỉnh đề ra mục tiêu: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU để bảo đảm công tác GPMB phải đi trước, nhanh chóng hoàn thành để triển khai các dự án trong thời gian ngắn nhất, đặc biệt là các dự án lớn, dự án trọng điểm nhằm khai thác tối đa thời cơ, lợi thế của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự tham gia, đồng thuận của nhân dân, tạo sự lan tỏa, phong trào thi đua đẩy nhanh thực hiện GPMB trên địa bàn toàn tỉnh. Phấn đấu hoàn thành dứt điểm công tác GPMB đối với các công trình, dự án trọng điểm trong năm 2023.
Bốn nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh đề ra, gồm: (1) Các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU của BTV Tỉnh ủy gắn với các văn bản chỉ đạo của cấp thẩm quyền về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BT,HT&TĐC). (2) Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trong đó có công tác thu hồi đất, GPMB; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác GPMB, nhất là trong công tác đối thoại, giải thích chính sách với người dân. (3) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, quy định, chính sách của Nhà nước về đất đai, chế độ, chính sách BT,HT&TĐC và vai trò, ý nghĩa quan trọng, cấp thiết của công tác GPMB đối với việc thu hút đầu tư, hiệu quả của các dự án trọng điểm trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương đến từng cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh để nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác GPMB; tạo sự thống nhất về hành động của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và sự đồng thuận của nhân dân trong tổ chức thực hiện. (4) Các cấp, các ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và nắm tình hình về công tác GPMB thực hiện các dự án đầu tư; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác BT,HT&TĐC.
UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp huyện và các sở, ngành chức năng để thực hiện tốt kế hoạch. Trong đó, riêng với UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu: Tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ GPMB để triển khai đầu tư các dự án tại địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai, chế độ chính sách về BT,HT&TĐC với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với thực tế từng địa bàn cơ sở, từng dự án, đối tượng bị thu hồi đất; chú trọng công tác vận động, thuyết phục, đối thoại, trao đổi trực tiếp, công khai, minh bạch về các quy định, chế độ chính sách của Nhà nước, phương án đền bù GPMB để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi hiểu đúng và tự giác thực hiện.
Tổ chức triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, BT,HT&TĐC đồng bộ đối với toàn bộ dự án đầu tư hoặc theo đúng tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án. Thực hiện trình tự thủ tục thu hồi đất, BT,HT&TĐC đảm bảo đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật có liên quan, chủ động tổ chức thực hiện công tác GPMB theo thẩm quyền.
Chỉ đạo rà soát quy hoạch các quỹ đất TĐC, chủ động hoàn thiện các thủ tục, hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu TĐC trên địa bàn để chủ động quỹ đất bố trí TĐC cho các trường hợp bị thu hồi đất ở, phải di dời nhà ở, đáp ứng yêu cầu tiến độ GPMB các dự án và nhu cầu sử dụng đất của người có đất ở bị thu hồi…