Bảo đảm công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân phải bám sát 5 chính sách xây dựng Dự án Luật đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, giám sát để kiến tạo...

Ngày 19/7, tại tỉnh Bình Định, Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo tóm tắt một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân - Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Dự án Luật cho biết, Dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc bảo đảm hoạt động giám sát cung cấp thông tin thực tiễn cho hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và luật hóa tiêu chí gắn với công tác xây dựng pháp luật.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, cơ quan của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động giám sát.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát; sửa đổi, bổ sung các quy định về trao đổi, sử dụng thông tin của hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, các ý kiến bày tỏ quan tâm tới quy định về hoạt động giám sát của HĐND. Theo đó, việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND, nhất là hoạt động giám sát, chất vấn tại các kỳ họp, phiên họp của HĐND, Thường trực HĐND có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Mục đích của giám sát nhằm xem xét, đánh giá việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc trong xã hội, việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động giám sát chuyên đề vẫn còn một số lúng túng, bất cập, hạn chế. Theo đó, công tác giám sát chưa tích cực, hoạt động giám sát, khảo sát vẫn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Các đại biểu HĐND tham gia hoạt động giám sát còn hạn chế; kinh nghiệm, kỹ năng giám sát của một số đại biểu HĐND còn có mặt hạn chế; nội dung một số cuộc giám sát chưa sâu, chưa tập trung vào những vấn đề mang tính thời sự, bức xúc ở địa phương; chất lượng giám sát còn hạn chế, kết luận giám sát, kiến nghị đề xuất còn chung chung; công tác đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được chú trọng; hiệu lực, hiệu quả giám sát chưa cao...

Để hoạt động giám sát chuyên đề có hiệu quả, một số đại biểu cho rằng cần chọn nội dung chuyên đề, xây dựng kế hoạch và đề cương báo cáo giám sát cụ thể. Chuyên đề giám sát phải là những vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương. Số lượng cuộc giám sát cũng cần được xem xét cẩn trọng, quyết định phù hợp với khả năng tổ chức thực hiện và chất lượng, hiệu quả giám sát, tránh dàn trải.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu cũng cho rằng, cần có sự khảo sát, phối hợp giữa cơ quan dân cử với các cơ quan kiểm tra, thanh tra để tránh chồng chéo về nội dung, thời gian, địa bàn hay đơn vị bị giám sát. Kết luận giám sát cần bảo đảm tính đúng đắn, sát hợp; phát hiện những bất hợp lý của quy định pháp luật trong thực tiễn (nếu có); chỉ rõ được những hạn chế, thiếu sót và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đối với những khuyết điểm đó...

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã có những ý kiến đóng góp cụ thể về hoạt động giám sát của Ban của HĐND; các quy định bảo đảm hoạt động giám sát; việc điều hòa hoạt động giám sát và bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát; việc mời chuyên gia tư vấn tham gia các đoàn giám sát; tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp HĐND; chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Thường trực HĐND về chất vấn, giám sát chuyên đề và các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp HĐND…

Chỉ luật hóa những vấn đề, nội dung đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, phù hợp và có sự thống nhất cao. Đồng thời, phải thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung Luật phải bám sát 5 chính sách xây dựng Dự án Luật đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, giám sát để kiến tạo chứ không phải "bới lông tìm vết"; giám sát là truy đến cùng sự việc, vì vậy phải rõ hơn hệ quả pháp lý của từng hoạt động giám sát. Đồng thời, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quy định về nguyên tắc với quy định cụ thể để bảo đảm không bị “luật khung, luật ống” nhưng vẫn phải phù hợp với thực tiễn, không cá biệt hóa mà phải phổ quát các quy định, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tránh dẫn đến khó khăn khi triển khai trên thực tiễn” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bao-dam-cong-tac-giam-sat-la-khau-trong-tam-then-chot-33166.html