Sập cầu Phong Châu: Các lực lượng đang khẩn trương tập trung tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ
Sáng ngày 09/09/2024, cầu Phong Châu bị gãy 2 đoạn cầu, rơi xuống sông Hồng địa phận tỉnh Phú Thọ. Lúc nhịp cầu đổ sập, có một số phương tiện giao thông đang lưu thông.
Theo cáo báo nhanh của lãnh đạo địa phương, khoảng 9 giờ 40 phút ngày 9/9/2024 trên sông Hồng xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng sập 02 trụ cầu Phong Châu (nối huyện Lâm Thao và huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bất ngờ đổ sập một nửa phần cầu xuống sông Hồng.
Xác định ban đầu có 01 xe ô tô chở khách, một số ô tô 4 chỗ cùng nhiều người dân đang tham gia lưu thông bằng xe máy trên cầu.
Đến trưa cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Tam Nông cho biết, lực lượng chức năng đã vớt được 3 người trong vụ sập cầu Phong Châu và đưa đi cấp cứu. Đây là những người tự bơi sau khi rơi xuống sông. Cơ quan chức năng chưa xác định được có bao nhiêu người, phương tiện ở thời điểm cầu Phong Châu bị sập.
Hiện vẫn chưa rõ thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, người dân quanh đây cho biết, lúc nhịp cầu đổ sập, có một số phương tiện giao thông đang lưu thông qua cầu.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng đã có mặt để phong tỏa hiện trường, phân luồng giao thông và tìm kiếm các nạn nhân.
Được biết, cầu Phong Châu nằm trên QL 32C nối địa phận huyện Lâm Thao với huyện Tam Nông đã trải qua thời gian sử dụng hơn 18 năm. Đến thời điểm này, cây cầu đang được ngành Giao thông đưa vào danh sách cầu yếu bởi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao, xe chở hàng, chở vật liệu, chở quặng... quá khổ, quá tải liên tục qua lại khiến cây cầu xuống cấp nghiêm trọng.
Sở GTVT tỉnh Phú Thọ đã cắm biển hạn chế tải trọng xe (chỉ cho phép các xe ô tô có tải trọng dưới 24 tấn được lưu thông qua cầu), thực hiện phương án phân luồng từ xa nhằm giảm tải phương tiện có trọng tải lớn qua cầu và lập chốt kiểm tra. Tại đầu cầu phía huyện Lâm Thao, lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) của Sở GTVT, duy trì trực kiểm tra, xử lý vi phạm 3 ca trên một ngày.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu
Thủ tướng giao Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan triển khai công tác khắc phục hậu quả vụ sập nhịp cầu Phong Châu và mưa lũ, sạt lở.
Công điện nêu, bão số 3 đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa từ 200-350 mm (nhiều nơi 400-500mm, có nơi gần 600mm), lũ trên sông Thao và Lục Nam đã vượt mức báo động 3, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều nơi, nhất là ở Hòa Bình và Lào Cai.
Bão, mưa lũ làm ít nhất 26 người chết và mất tích (17 người do lũ, sạt lở đất; 09 người do bão), 247 người bị thương, nhiều nhà cửa, công trình hạ tầng bị hư hại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.
Đặc biệt sáng ngày 9/9/2024 đã xảy ra sự cố sập nhịp cầu Phong Châu qua sông Thao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, theo thông tin ban đầu có một số phương tiện giao thông và người bị rơi xuống sông.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của Nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến ngay hiện trường để phối hợp với Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo kiểm tra, triển khai ngay công tác khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu hộ cứu nạn đối với những nạn nhân vụ sập cầu.
Chủ tịch UBND các tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt theo thẩm quyền, trong đó:
Tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất, mưa lũ, sập cầu: Tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn, bảo đảm đời sống cho người dân theo quy định.
Rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở, kiên quyết không để người dân qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Chỉ đạo rà soát, kịp thời phát hiện, tránh xảy ra các sự cố bất ngờ đối với các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các cầu giao thông, hồ đập, đê điều trên địa bàn.
Các Bộ trưởng: Quốc phòng, Công an: Huy động ngay mọi lực lượng, phương tiện cần thiết phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các địa phương có liên quan khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các nạn nhân vụ sập nhịp cầu Phong Châu. Chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét theo quy định.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan triển khai công tác khắc phục hậu quả vụ sập nhịp cầu Phong Châu và mưa lũ, sạt lở theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền được phân công.
Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền được phân công chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn cho lực lượng và công trình thuộc trách nhiệm quản lý.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động; tổ chức theo dõi tình hình, chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này.