Bảo đảm cung ứng điện - Bài 2: Chuẩn bị nguồn điện mới
Cùng với việc gia tăng sản lượng điện sản xuất qua các năm, các Tổng công ty Phát điện (GENCO) còn tích cực xây dựng kế hoạch đầu tư để chuẩn bị các dự án nguồn điện mới.
Với tổng giá trị đầu tư trong giai đoạn 2016-2018 là 10.691 tỷ đồng; trong đó, đầu tư thuần là 4.471 tỷ đồng, còn lại là trả nợ gốc là lãi vay, EVNGENCO 2 đã thi công và đưa vào vận hành thương mại các nhà máy Thủy điện: Trung Sơn (công suất 260 MW), Sông Bung 2 (100 MW).
Đến nay, EVNGENCO 2 đã cơ bản hoàn thành xử lý ổn định tổng thể hạ lưu đập tại Thủy điện Trung Sơn đáp ứng theo sơ đồ chống lũ được duyệt, đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.
Bên cạnh đó, EVNGENCO 2 đã khởi công Dự án mở rộng lưu vực bổ sung nước cho công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị và vùng hạ du; đang triển khai thi công các hạng mục phụ của dự án điện gió Công Hải 1 - giai đoạn 2 và lập hồ sơ mời sơ tuyển/hồ sơ mời thầu gói thầu EPC của dự án này. Đồng thời, đang khảo sát, thiết kế các hạng mục phụ và lập hồ sơ mời thầu gói thầu EPC của dự án điện gió Hướng Phùng 1.
Năm 2019, Tổng công ty có kế hoạch đầu tư 2.312 tỷ đồng và năm 2020 là 3.125 tỷ đồng; trong đó đầu tư thuần là 1.853 tỷ đồng, còn lại là trả nợ gốc và lãi vay.
Ông Trương Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc EVNGENCO 2 cho biết, ngoài các hợp đồng vay vốn được EVN thu xếp để đầu tư các dự án như Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Sông Bung 2, Tổng công ty đã sử dụng linh hoạt các nguồn vốn hiện có, đồng thời tìm kiếm nguồn vốn đi vay có lãi suất thấp, ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, các ngân hàng cho các dự án nguồn điện mới của Tổng công ty. Cùng với đó, có biện pháp gắn trách nhiệm nhà thầu với công tác quyết toán dự án hoàn thành.
”Chúng tôi lựa chọn nhà thầu kiểm toán chất lượng, có kinh nghiệm để lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đúng, đầy đủ, số liệu chính xác và đảm bảo chất lượng theo thông tư quy định. Đồng thời, chủ động phối hợp với cấp thẩm quyền, chính quyền địa phương để giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư dự án. Đẩy mạnh sử dụng phần mềm quản lý đầu tư xây dựng để quản lý công trình chặt chẽ, đánh giá chất lượng nhà thầu liên tục làm cơ sở dữ liệu cho việc quản lý dự án tốt hơn, lựa chọn nhà thầu có năng lực thực sự thi công công trình”, ông Vũ chia sẻ.
Đối với EVNGENCO 3, theo ông Lê Văn Danh, Phó Tổng Giám đốc, hạng mục nhà máy chính của dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đảm bảo mục tiêu đề ra nhưng lại phát sinh các hạng mục khác như kho xử lý chất thải. Về việc này, Tổng công ty đang thực hiện thủ tục xin điều chỉnh Quy hoạch Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để đầu tư xây dựng bãi chứa chất nạo vét mới và tiến hành thi công nạo vét khối lượng còn lại đáp ứng cho tàu 100.000 tấn có thể cập cảng. Việc nâng cấp cảng Vĩnh Tân 2 lên 70.000 tấn than và 5.000 tấn LNG cũng được tính đến.
Về dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, hiện tổng tiến độ đã đạt khoảng 98,77%. Tổng Giám đốc EVNGENCO 3, ông Đinh Quốc Lâm cho biết, cơ bản các thiết bị và hệ thống chính đã hoàn thiện, đạt và vượt tiến độ đề ra. Nhà máy đã hòa lưới lần đầu thành công vào ngày 22/4 vừa qua, sớm hơn Hợp đồng khoảng hai tháng rưỡi và thử nghiệm lên công suất định mức 600 MW vào ngày 1/5/2019.
Thời gian tới, nhà máy sẽ thử nghiệm các yếu tố kỹ thuật khác như công suất phản kháng, ổn định tổ máy, các chế độ khởi động tổ máy, chạy tin cậy, đo thông số bảo hành... Dự kiến Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng sẽ vận hành thương mại vào cuối tháng 9/2019, sớm hơn Hợp đồng khoảng 3 tháng.
Bên cạnh đó, dự án Thủy điện Thượng Kon Tum do EVNGENCO 3 làm chủ đầu tư cũng đạt tổng tiến độ khoảng 88%, đủ điều kiện chuẩn bị tích nước vào tháng 10/2019 và phát điện tổ máy 1 cuối năm 2019. Ngoài ra, Tổng công ty còn bắt đầu triển khai các thủ tục quy hoạch Trung tâm điện lực Long Sơn sử dụng khí LNG nhập khẩu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi Chính phủ đồng ý về nguyên tắc xem xét bổ sung Trung tâm điện lực Long Sơn vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Thành viên HĐTV EVN cho rằng, về dài hạn EVNGENCO 3 cần tập trung vào Trung tâm điện lực Long Sơn bởi Trung tâm này hoàn thành xây dựng sớm ngày nào thì hình ảnh của Tổng công ty trong con mắt nhà đầu tư càng lớn.
Mặt khác, EVNGENCO 3 cũng sẽ xúc tiến bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời Ninh Phước 7, công suất 200 MWp thuộc tỉnh Ninh Thuận và các dự án khác. Tổng vốn đầu tư của EVNGENCO 3 từ năm 2016 đến hết năm 2019 là 105.265 tỷ đồng; trong đó, EVN đầu tư 77.766 tỷ đồng, còn lại là EVNGENCO 3 đầu tư.
Với tổng vốn đầu tư trong 4 năm 2016-2019 là 59.469 tỷ đồng; trong đó đầu tư thuần là 26.024 tỷ đồng, còn lại là trả nợ gốc và lãi vay, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) cũng đã triển khai nhiều dự án quan trọng để chuẩn bị nguồn điện cho các năm tới.
Cụ thể đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (do EVN làm chủ đầu tư; EVNGENCO 1 và đại diện là Ban Quản lý dự án Nhiệt điện 3 là đơn vị tư vấn quản lý dự án), tiến độ thực hiện trên công trường gặp nhiều khó khăn và chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Tổng công ty đang phấn đấu hoàn thành cấp chứng chỉ nghiệm thu tạm thời (PAC) không chậm hơn ngày 30/11/2019. Mục tiêu cho dự án này là sẽ đốt than lần đầu không muộn hơn ngày 17/7/2019 và phấn đấu hoàn thành dự án trong quý IV/2019.
Với Dự án Nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng, Tổng công ty đang gấp rút trình trình Cục Điều tiết điện lực thông qua phương án giá điện hiệu chỉnh để hoàn thiện thủ tục phát điện thương mại tổ máy với công suất 45 MW. Đối với dự án này, EVNGENCO 1 đã yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đôn đốc nhà thầu hoàn thành công tác khoan khảo sát địa chất, gia cố đường hầm và trình giải pháp xử lý cuối cùng về việc thi công đường hầm sau sạt trượt. Trên cơ sở đó quyết định phương án triển khai thi công đường hầm trở lại trong tháng 7 tới.
Bên cạnh Dự án Nhà máy điện Mặt trời nổi trên hồ Thủy điện Đa Mi đã đóng điện vận hành thương mại vào cuối tháng 5 vừa qua, vượt tiến độ 1 tháng, các dự án khác cũng được EVNGENCO 1 gấp rút triển khai kịp tiến độ để tăng thêm nguồn điện đưa vào sản xuất trong những năm tới.
Thời gian tới, EVNGENCO 1 sẽ kiểm soát chặt chẽ về tiến độ và giám sát chất lượng công trình xây dựng theo quy định hiện hành tại các dự án đang triển khai thi công và yêu cầu nhà thầu thực hiện đồng bộ các giải pháp, đảm bảo tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã thành lập Ban chỉ đạo, các Tổ thẩm tra quyết toán và các Tổ thẩm tra phương án giải quyết cuối cùng các tồn tại của các dự án đầu tư. Định kỳ hàng tháng, quý trên cơ sở báo cáo của các Tổ công tác, Ban chỉ đạo thực hiện kiểm điểm tình hình thực hiện tại các đơn vị và cùng phối hợp giải quyết các tồn tại vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ quyết toán.