Bảo đảm điều trị ARV bền vững cho người nhiễm HIV

Việt Nam hiện có 98,4% người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, cao hơn năm 2022 (96%) và hiện là chỉ số duy nhất đạt mục tiêu 95-95-95 của Việt Nam tiến tới chấm dứt bệnh HIV vào năm 2023.

Cấp phát thuốc điều trị cho bệnh nhân

Cấp phát thuốc điều trị cho bệnh nhân

Tỷ lệ bệnh nhân HIV điều trị ARV tăng cao

Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh, ước tính hiện nay có khoảng 250.000 người đang sống chung với HIV.

Công tác điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV được triển khai tại Việt Nam đến nay đã hơn 20 năm. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có trên 10.000 người nhiễm HIV được đưa vào điều trị thuốc ARV. Từ năm 2019, Việt Nam bắt đầu chuyển giao chi phí thuốc ARV và các dịch vụ điều trị ARV cho bảo hiểm y tế chi trả. Từ năm 2020, Việt Nam đã thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của WHO.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiện cả nước có 534 cơ sở điều trị, trong đó 506 cơ sở đang điều trị thuốc ARV bảo hiểm y tế.

Tính đến 14/9/2023, cả nước có 177.009 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó 2.748 bệnh nhân trẻ em, 174.261 bệnh nhân người lớn. Mở rộng điều trị ARV qua bảo hiểm y tế, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên.

Hiện cả nước có 534 cơ sở điều trị, trong đó 506 cơ sở đang điều trị thuốc ARV bảo hiểm y tế.

"Việt Nam là một trong các quốc gia có chất lượng điều trị ARV cao với tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế luôn được duy trì cao. Năm 2017, tỷ lệ này là 94%. Từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ này luôn duy trì trên 95% và đến cuối năm 2023 đạt hơn 98%. Tỷ lệ HIV kháng thuốc mắc phải ở mức thấp dưới 5% (năm 2020)", Cục trưởng Phan Thị Thu Hương cho hay.

Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV là một trong các ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS. Với việc mở rộng và sử dụng phác đồ ARV tối ưu, số trẻ nhiễm HIV từ mẹ đang giảm dần.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương cho hay, với phương châm “lấy người bệnh là trung tâm”, công tác điều trị HIV được định hướng theo hướng cung cấp gói dịch vụ toàn diện về điều trị HIV/AIDS.

Theo đó, các cơ sở y tế đã kết nối điều trị thuốc ARV sớm cho người mới phát hiện nhiễm HIV, giúp họ đạt ức chế virus và phục hồi miễn dịch sớm, giảm nguy cơ tử vong và hạn chế lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người bệnh HIV qua bảo hiểm y tế bao gồm xét nghiệm CD4, xét nghiệm TLHIV, cấp thuốc ARV 90 ngày sử dụng; điều trị các nhiễm trùng cơ hội nặng ở người nhiễm HIV giúp họ sớm phục hồi miễn dịch và giảm tỷ lệ tử vong do AIDS.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Quản lý, điều trị lao tiềm ẩn, các bệnh đồng nhiễm trên người bệnh HIV: Lao, viêm gan B, C các bệnh lây qua đường tình dục.

Tăng cường công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thông qua thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai nhằm phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV đưa họ vào điều trị HIV và quản điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV.

Việt Nam là một trong các quốc gia có chất lượng điều trị ARV cao với tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế luôn được duy trì cao. Năm 2017, tỷ lệ này là 94%. Từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ này luôn duy trì trên 95% và đến cuối năm 2023 đạt hơn 98%. Tỷ lệ HIV kháng thuốc mắc phải ở mức thấp dưới 5% (năm 2020).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Quản lý, chăm sóc vị thành niên nhiễm HIV về tư vấn bộc lộ, tuân thủ điều trị, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn bao gồm sức khỏe tâm thần cho nhóm tuổi này

Mở rộng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV cho mọi đối tượng bị phơi nhiễm với HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV

Thực hiện sàng lọc, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm ngay tại cơ sở điều trị HIV, tập trung vào các bệnh tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường. Từng bước triển khai sàng lọc các rối loạn sức khỏe tâm thần (lo âu, trầm cảm), sàng lọc ung thư cổ tử cung ở nữ giới nhiễm HIV phát hiện sớm chuyển đến cơ sở điều trị chuyên khoa.

Để duy trì điều trị ARV bền vững

Việc cung ứng thuốc ARV và thực hiện các xét nghiệm theo dõi điều trị (xét nghiệm TLHIV) vô cùng quan trọng trong việc duy trì, theo dõi hiệu quả điều trị của người bệnh.

Nếu thuốc ARV cung ứng không đầy đủ, người bệnh HIV bị gián đoạn điều trị hoặc duy trì phác đồ điều trị không hiệu quả sẽ có nguy cơ kháng thuốc và thất bại điều trị. Việc kháng thuốc này có tạo ra hệ lụy nữa là có thể sẽ làm xuất hiện tình trạng nhiễm HIV kháng thuốc. Lý do là khi điều trị ARV không hiệu quả, xuất hiện chủng HIV kháng thuốc, tải lượng virus HIV ở người bệnh tăng trên 200 bản sao/ml. Điều này sẽ dẫn đến việc lây truyền chủng HIV kháng thuốc sang người khác qua quan hệ tình dục.

Để duy trì điều trị ARV bền vững, theo Cục trưởng, tới đây, ngành y tế cần thực hiện mô hình Kết nối tìm ca-xét nghiệm HIV-cơ sở điều trị HIV; huy động sự tham gia của các nhóm cộng đồng; mở rộng cơ sở xét nghiệm HIV và cơ sở điều trị HIV tại tuyến y tế cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ điều trị HIV qua bảo hiểm y tế bao gồm cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra ba mục tiêu 95-95-95 đó là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Trong ba mục tiêu đó thì hiện có mục tiêu người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 98,4%.

Bên cạnh đó, bảo đảm nguồn thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế và tăng tỷ lệ người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế giúp họ tiếp cận được dịch vụ khám, chữa bệnh HIV từ Quỹ bảo hiểm y tế

Hướng dẫn các tỉnh, thành phố chủ động cung cấp dịch vụ xét nghiệm CD4, tải lượng HIV tại tỉnh, cơ sở điều trị chủ động ký hợp đồng với đơn vị cung cấp được các xét nghiệm trên qua bảo hiểm y tế.

Các cơ sở cần nâng cao năng lực cho nhân viên y tế về điều trị lao tiềm ẩn, các bệnh đồng nhiễm, các bệnh không lây nhiễm giúp cơ sở điều trị cung cấp được các dịch vụ khám, chữa bệnh khác ngay tại cơ sở điều trị HIV

Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục mở rộng điều trị PrEP bao gồm cả các tỉnh không có dự án hỗ trợ cho nhóm đối tượng nguy cơ cao.

"Chúng tôi hy vọng rằng, những nỗ lực trên sẽ bảo đảm duy trì chất lượng điều trị ARV cho người bệnh", Cục trưởng Phan Thị Thu Hương bày tỏ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-dam-dieu-tri-arv-ben-vung-cho-nguoi-nhiem-hiv-post784646.html