Bảo đảm đủ nước sạch cho người dân Thủ đô
Để đạt mục tiêu 100% số người dân Thủ đô được dùng nước sạch vào năm 2020, các cấp, các ngành của thành phố phải tập trung nguồn lực hơn nữa; tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức sử dụng và sự đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng.
Còn nhiều vướng mắc
Ngày 5-9-2019, Nhà máy nước mặt sông Ðuống đã khánh thành phân kỳ 2 của giai đoạn 1 công suất 300 nghìn m3/ngày đêm, bảo đảm cung cấp nước sạch cho khoảng ba triệu người dân Hà Nội. Sau khi khánh thành phân kỳ 2, Nhà máy nước mặt sông Ðuống tiếp tục bổ sung nước sạch cho các quận nội thành và khu vực trung tâm thành phố; cung cấp nước sạch cho các huyện Ứng Hòa, Thanh Oai và khu vực phía nam các huyện Thường Tín, Phú Xuyên… Ðây là tín hiệu vui, giúp cho người dân Hà Nội hết cảnh thiếu nước trong mùa nắng nóng.
Ðến cuối tháng 7-2019, TP Hà Nội đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án cấp nước, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn nước và 28 dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch. 65% số người dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch (năm 2016, tỷ lệ này mới đạt 37,2%), tương đương hơn 600 nghìn hộ với hơn 2,3 triệu người, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố khóa 16 đề ra.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, trong 11 dự án phát triển nguồn tập trung đang triển khai, mới có bốn dự án hoàn thành, còn lại là chậm hoặc chưa triển khai. Trong số 28 dự án phát triển mạng lưới cấp nước, mới có 14 dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành, 12 dự án đang triển khai, còn lại hai dự án chưa thực hiện. Theo giám sát của HÐND thành phố Hà Nội, tính đến thời điểm này, vẫn còn 35% dân số khu vực nông thôn chưa có nước sạch từ nguồn tập trung; khoảng 160 xã chưa có hệ thống nước sạch. Có những địa bàn tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch rất thấp, như Mỹ Ðức mới đạt 16%, Chương Mỹ 17%, Phú Xuyên 12%, Ứng Hòa 19%... Ðây là những trở ngại lớn khiến cho mục tiêu 100% dân số Hà Nội được dùng nước sạch vào năm 2020 sẽ khó thành hiện thực.
Ðại biểu HÐND thành phố Hoàng Tú Oanh nêu dẫn chứng, năm 2017, UBND thành phố đã chấp thuận Công ty cổ phần Kỹ thuật môi trường biển thực hiện dự án cấp nước cho xã Long Xuyên, Thượng Cốc; Công ty cổ phần Xây dựng Việt Nam thực hiện nối mạng cấp nước cho ba xã Xuân Phú, Vân Nam và Vân Phúc (đều ở huyện Phúc Thọ), tiến độ hoàn thành vào năm 2018. Nhưng hiện hai dự án chưa thi công, đất đã giải phóng mặt bằng nhưng để hoang. Hay dự án cấp nước sạch cho tám xã huyện Chương Mỹ được phê duyệt từ năm 2013, dự kiến xong năm 2017, tuy nhiên hiện mới thực hiện được ở một xã, lúc thì do khó khăn giải phóng mặt bằng, lúc do năng lực chủ đầu tư hạn chế.
Giám sát của HÐND thành phố Hà Nội cho thấy, doanh nghiệp đầu tư nước sạch ở nông thôn thiếu vốn để đầu tư, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng cũng như từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố rất khó khăn. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết thêm, việc chậm triển khai các dự án là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư. Thành phố đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ của 11 dự án nêu trên. Qua đánh giá của Bộ Xây dựng, tính khả thi của các quy hoạch cấp nước rất cao, song khó triển khai, nhất là ở địa bàn huyện Chương Mỹ, một số xã tại huyện Sóc Sơn, huyện Thạch Thất do dân cư thưa thớt, địa hình khó.
Người dân chưa mặn mà
Có một nghịch lý là trong khi nhiều nơi người dân khao khát có nước sạch để sử dụng nhưng dự án chậm triển khai, thì lại có nhiều khu vực được cung cấp nước sạch tới tận nhà, mà người dân lại không dùng hoặc dùng rất ít. Trạm cấp nước Bảo Lộc thuộc xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ có thể cấp ngay tại chỗ cho hơn ba nghìn hộ dân, tuy nhiên mới có 1.100 hộ đấu nối, trong đó có khoảng 600 hộ sử dụng nước sạch. Còn lại phần lớn hộ dân vẫn dùng nước giếng khoan. Cả 20 xã, thị trấn của huyện Hoài Ðức hiện nay đã phủ kín mạng lưới cấp nước sạch, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 76%. Tuy nhiên, tỷ lệ này lại không đồng đều. Có nơi như xã Cát Quế, mới chỉ có 11,3% người dân sử dụng nước sạch.
Ðể giải quyết những vướng mắc này, tại phiên giải trình mới đây về nước sạch do HÐND thành phố Hà Nội tổ chức, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung cho biết, ba năm qua, UBND thành phố đã họp 37 lần với các nhà đầu tư, công ty, các huyện, xã để giải quyết vướng mắc, khó khăn; khơi thông chính sách giải phóng mặt bằng, điển hình như dự án Nhà máy nước mặt sông Ðuống đã giải phóng mặt bằng 100 ha trong vòng bốn tháng. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, thành phố sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm, đóng sớm hơn lộ trình với các giếng khoan nhiễm a-sen; xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; đối thoại giải quyết khúc mắc cho các doanh nghiệp cấp nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; trợ giá cho người dân nông thôn; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu, vùng xa. Thành phố sẽ rà soát, doanh nghiệp nước sạch phải đủ năng lực, nếu không đủ năng lực sản xuất nước đạt tiêu chuẩn uống được tại vòi thì nhất định thay thế. Chủ tịch TP Hà Nội cũng bày tỏ: "Rất cần sự đồng thuận cao của người dân trong việc lắp đặt mạng truyền dẫn nước. Tôi mong muốn người dân nhiệt tình ủng hộ vì dùng nước sạch chính là bảo đảm sức khỏe của mình".
Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, để đạt được mục tiêu Nghị quyết đặt ra, phấn đấu 35% số người dân khu vực nông thôn còn lại của Thủ đô được sử dụng nước sạch, nhất là ở các vùng nông thôn, đòi hỏi quyết tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân. Thời gian tới, HÐND thành phố sẽ tăng cường giám sát tại bốn huyện có tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch còn thấp là Chương Mỹ, Mỹ Ðức, Phú Xuyên, Ứng Hòa; yêu cầu các địa phương này tăng cường tuyên truyền tới người dân và đề xuất giải pháp hỗ trợ.