Bảo đảm đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí

Chiều 13.12, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Đúng thẩm quyền

Trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung Chính phủ đã trình tại Tờ trình số 444/TTr-CP ngày 2.11.2022 về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, về phương án phân bổ vốn, Bộ Tài chính thực hiện rà soát chi tiết từng dự án để bảo đảm việc bố trí vốn cho từng dự án sát với tiến độ, khả năng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn trong năm 2023 và năm 2024. Cụ thể: Điều hòa tăng/giảm kế hoạch vốn của các dự án cho phù hợp, tránh việc phải trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn nhiều lần; ưu tiên khởi công các dự án có đủ thủ tục, thực sự cần thiết cấp bách và sắp xếp được nguồn vốn bố trí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giữ nguyên tổng mức vốn đề xuất điều chỉnh từ nguồn dự toán kinh phí chi thường xuyên sang chi đầu tư phát triển là 2.268.248 triệu đồng (Tổng cục Thuế là 1.134.800 triệu đồng, Tổng cục Hải quan là 1.133.448 triệu đồng), giữ nguyên tổng số dự án là 95 dự án (Tổng cục Thuế là: 59 dự án, Tổng cục Hải quan là: 36 dự án), tuy nhiên có điều chỉnh lại mức vốn bố trí của một số dự án cho phù hợp; thay đổi 1 danh mục dự án khởi công mới. Các dự án đã hoàn thành từ trước ngày 31.12.2022 (42 dự án): 348.180 triệu đồng. Các dự án chuyển tiếp (41 dự án): 1.347.395 triệu đồng. Các dự án khởi công mới và chuẩn bị đầu tư năm 2023 (12 dự án): 572.673 triệu đồng.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc kịp thời trình Quốc hội, tránh tình trạng quá chậm làm ảnh hưởng đến quy trình thẩm tra, xem xét, thông qua, đặc biệt làm chậm tiến độ triển khai thực hiện, giảm hiệu quả sử dụng vốn. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trong khi chưa thực hiện được cải cách tiền lương thì có đủ căn cứ pháp lý để Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tiếp tục được hưởng cơ chế tài chính đặc thù.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về các đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ về điều chỉnh kinh phí chi thường xuyên năm 2021 để bổ sung dự toán chi đầu tư năm 2022 thực hiện 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, cho 42 dự án đã hoàn thành, 41 dự án chuyển tiếp, 12 dự án khởi công. Tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phú Cường nêu rõ, do Chính phủ trình điều chỉnh vốn quá chậm nên đến thời điểm trình Quốc hội quyết định, dự kiến là tháng 1.2023 thì đã hết năm ngân sách 2022. Vì vậy, đề nghị được thực hiện chuyển nguồn sang năm 2023 theo quy định của Luật đầu tư công sau khi đã điều chỉnh từ nguồn kinh phí chi thường xuyên sang chi đầu tư để thực hiện 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Thời gian giải ngân đến hết 31.12.2024

Cho ý kiến về nội dung này, Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thống nhất với ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách về thẩm quyền quyết định và đề nghị Chính phủ quan tâm 3 vấn đề cụ thể. Thứ nhất, cần hết sức quan tâm đến việc hàng năm và theo định kỳ kịp thời rà soát, xử lý các nội dung điều chỉnh dự toán để tránh tình trạng xử lý chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ cũng như giảm hiệu quả của việc sử dụng vốn. Thứ hai, khẩn trương chủ động giao ngay, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2023 và năm 2024 cho Bộ Tài chính theo thẩm quyền chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, cũng như rà soát chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định pháp luật, tránh gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước. Thứ ba, thông qua việc điều chỉnh này, cần có giải pháp phù hợp để giải ngân vốn đầu tư nhanh, hiệu quả hơn. Vì qua nghiên cứu hồ sơ, trong tổng số 95 dự án xin điều chỉnh kinh phí chi thường xuyên tại Tờ trình của Chính phủ thì cũng mới chỉ có 42 dự án đã hoàn thành, còn 41 dự án chuyển tiếp và 12 dự án khởi công mới.

Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 như Bộ Tài chính đã trình. Đồng thời, cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang các năm sau để thực hiện đầu tư các dự án của hai Tổng cục, thời gian giải ngân đến hết 31.12.2024, đưa nội dung này vào Nghị quyết về các nội dung của ngân sách của Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tập hợp các nội dung cần trình trong một Nghị quyết về vấn các vấn đề ngân sách, các cơ quan thẩm tra cũng có một báo cáo chung để trình Quốc hội. Chính phủ thực hiện phân bổ vốn, chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan, tổng hợp các báo cáo thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình Quốc hội vào cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thụy Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/bao-dam-dung-quy-dinh-phap-luat-tranh-that-thoat-lang-phi-i311230/