Bảo đảm hài hòa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người

Những ngày gần đây, rất đông đảo cán bộ, đảng viên, trong đó có bản thân tôi đã đọc bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới. Tôi nhận thấy bài viết khái quát rất cao. Những trăn trở, suy nghĩ của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng là trăn trở, suy nghĩ của cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam.

Những ngày gần đây, rất đông đảo cán bộ, đảng viên, trong đó có bản thân tôi đã đọc bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới. Tôi nhận thấy bài viết khái quát rất cao. Những trăn trở, suy nghĩ của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng là trăn trở, suy nghĩ của cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam.

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị đại hội đảng bộ cấp tỉnh và Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng cần phân tích thấu đáo vấn đề chưa bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Về nội dung này, tôi thấy rằng, Ðảng ta đã lãnh đạo phát triển kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, song bên cạnh đó, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và người dân đang trở thành lực cản, thậm chí đẩy lùi sự phát triển đất nước. Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thật sự lành mạnh. Chúng ta không thể hài lòng khi nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có hàng trăm cán bộ diện Trung ương quản lý đã vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức, có lối sống xa hoa, xa dân, nặng về hưởng thụ, nhẹ về cống hiến, đi ngược lại mục đích cao đẹp của Ðảng. Chúng ta cũng rất đau lòng trước tệ nạn ma túy, lối sống vô pháp luật của một bộ phận người dân. Các vụ xâm hại trẻ em, ngược đãi người già, người yếu thế, tệ nạn trộm cướp, các vụ án mạng... là những hành vi trái ngược với truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Ðể đất nước Việt Nam hùng cường, dân chủ, công bằng, văn minh, không thể chấp nhận lối sống sa đọa, vị kỷ, vô cảm, phạm pháp,...

Mỗi người dân Việt Nam cần tự hỏi việc thực thi pháp luật đã nghiêm minh chưa? Trong Ðảng, trong các cơ quan nhà nước, trong mỗi cộng đồng, gia đình, người trên đã trở thành tấm gương cho người dưới noi theo chưa? Phát triển kinh tế suy đến cùng là để phát triển toàn diện con người, theo hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Phát triển văn hóa, xây dựng con người là mục tiêu của phát triển kinh tế, do đó, cần đầu tư thỏa đáng cho giáo dục văn hóa, đạo đức, truyền dạy tư tưởng, hành vi, lối sống cao đẹp cho tất cả các nhóm dân cư. Tất cả các giai đoạn phát triển của con người đều cần có sự tác động về tư tưởng, đạo đức, một cách sâu sắc và hiệu quả. Từ việc sử dụng cán bộ, việc nêu gương của người đứng đầu, cho đến giáo dục đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội đều cần phải được coi trọng và thực hiện hiệu quả, thực chất. Từ giáo dục hành vi, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của công dân cho đến trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đều cần có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân.

Theo tôi, 5 năm tới và những năm tiếp theo, các cấp ủy đảng cần định hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo", như Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

Khoa học đang và sẽ là nền tảng để xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, do đó, từ nhận thức đến hành động cần bảo đảm tính khoa học. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những cá nhân lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, nghiêm cấm buôn bán, tàng trữ, sử dụng các sản phẩm văn hóa độc hại, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần phát huy giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam, coi đó là nguồn năng lượng to lớn để phát triển bền vững đất nước. Các tổ chức đoàn thể cần tuyên truyền sâu rộng để động viên, cổ vũ toàn dân gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong tình hình mới.

Cán bộ, đảng viên kỳ vọng đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương và Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính, như Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo. Lựa chọn đúng những người đủ tâm, tầm, uy tín vào cấp ủy các địa phương và Trung ương là mong muốn và chờ đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.

Lê Thị Ðiều

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/bao-dam-hai-hoa-tang-truong-kinh-te-voi-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-616455/