Bảo đảm hậu cần hải quân trong chuyến công tác tại Trung Quốc

Lữ đoàn 162 là đơn vị tàu mặt nước chiến đấu hiện đại của Vùng 4 và Quân chủng Hải quân, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm theo yêu cầu, chỉ đạo của trên, lữ đoàn thường xuyên cử các tàu tham gia các hoạt động đối ngoại với các nước trong khu vực và quốc tế. Trong điều kiện hoạt động dài ngày trên biển, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo là công tác bảo đảm hậu cần, chăm sóc sức khỏe bộ đội.

Trong chuyến tham gia Diễn tập “Hòa bình hữu nghị-2023” tại Trạm Giang, kết hợp thăm hữu nghị Hồng Công - Trung Quốc, để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, ngay từ khi nhận được kế hoạch của trên, cơ quan hậu cần Lữ đoàn đã phối hợp với Tàu 016 – Quang Trung kịp thời xác định hành trình, các hoạt động của đoàn công tác để bảo đảm hậu cần của tàu, chăm sóc sức khỏe bộ đội một cách khoa học, chu đáo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung.

Từ trước khi tàu rời bến, phòng Hậu cần Lữ đoàn 162 và Tàu 016 – Quang Trung đã chủ động tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng cho sĩ quan, thủy thủ trên tàu về các nội dung của công tác bảo đảm hậu cần, như: Nắm kỹ thuật cấp cứu cơ bản và cứu vớt, cấp cứu người rơi xuống biển; phương án bảo đảm hậu cần cho tàu xuất phát nhanh; tiếp nhận đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhiên liệu trên biển; bảo đảm sinh hoạt trên tàu khi hành quân dài ngày trên biển; phương pháp chế biến, bảo quản thực phẩm; kỹ thuật chế biến nấu ăn…

Chuyến công tác của Tàu 016-Quang Trung kéo dài gần một tháng, thực phẩm vẫn được bảo quản tươi ngon trong suốt hành trình.

Chuyến công tác của Tàu 016-Quang Trung kéo dài gần một tháng, thực phẩm vẫn được bảo quản tươi ngon trong suốt hành trình.

Tàu 016-Quang Trung cũng thành lập các tổ bảo đảm, như: Tổ tiếp nhận hàng dự trữ sẵn sàng chiến đấu; Tổ tiếp nhận nhiên liệu, nước ngọt; Tổ tiếp nhận lương thực, thực phẩm; Tổ bảo đảm quân y..., đồng thời phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng tổ. Các tổ sau khi được phân công, giao nhiệm vụ đã chủ động xây dựng thực đơn, tổng hợp các nhu cầu về thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt, trang bị, vật chất và thuốc quân y... để kịp thời báo cáo cấp trên tổ chức tiếp nhận, mua sắm, kiện toàn. Quá trình tiếp nhận trang bị, vật chất hậu cần của tàu được thực hiện chặt chẽ, có sự giám sát của trực ban, tổ kinh tế và quân y tàu.

Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, công tác tiếp nhận, sơ chế, bao gói, sắp đặt, bảo quản toàn bộ trang bị, vật chất hậu cần đã được hoàn thành, bảo đảm tốt về số lượng, chất lượng, chủng loại, quy cách bao gói, niên hạn sử dụng...

Trong toàn bộ hành trình, bảo đảm bữa ăn cho bộ đội là nhiệm vụ khó khăn, vất vả và xuyên suốt. Thực đơn phải khoa học, hợp lý, gọn nhẹ, ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực đơn tránh trùng lặp dễ gây nhàm chán cho bộ đội. Đồng thời cơ cấu ăn phải khác nhau ở từng thời điểm khi thực hiện nhiệm vụ diễn tập trên biển và neo đậu tại cảng nước bạn, theo đúng tỷ lệ quy định.

Thực tế, khi tàu thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện biển động mạnh, thủy thủ trên trên tàu phải luân phiên thực hiện nhiệm vụ theo ca, kíp liên tục, nên sức khỏe bộ đội bị ảnh hưởng, nhiều đồng chí có hiện tượng say sóng, mỏi mệt, cảm sốt... Do đó cấp ủy, chỉ huy tàu đã liên tục bám nắm, động viên tinh thần bộ đội và thường xuyên chỉ đạo tổ bảo đảm ăn trên tàu phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực cải tiến, chế biến món ăn, nâng cao chất lượng các món ăn để bộ đội ăn ngon, ăn hết chế độ tiêu chuẩn.

Ngoài ra, công tác bảo đảm quân y trên tàu cũng được thực hiện thường xuyên thông qua Tổ quân y của tàu do bác sĩ chuyên khoa của đơn vị làm tổ trưởng. Hằng ngày, nhân viên quân y đều tiến hành thăm, khám, cấp phát thuốc, điều trị phục hồi sức khỏe cho bộ đội.

Công tác vệ sinh là yêu cầu quan trọng, không để dịch bệnh phát sinh trong suốt hành trình. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu chấp hành nghiêm chế độ tổng dọn vệ sinh hằng ngày, hằng tuần; tổ chức bảo quản, bảo dưỡng các loại trang thiết bị nhà bếp, tủ bảo quản, lò bánh mỳ, dụng cụ cấp dưỡng… Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ quân y thường xuyên bám nắm, theo dõi, kiểm tra chất lượng thực phẩm ăn hằng ngày; tiến hành sắp xếp, đổi đảo thực phẩm trong các kho, tủ, hầm lạnh, đáp ứng yêu cầu về dự trữ thực phẩm và bảo đảm bữa ăn, ở cho cả đoàn công tác. Một việc làm tuy nhỏ nhưng được nước bạn đánh giá cao về cách thức và tính chuyên nghiệp là công tác phân loại, thu gom, đổ rác được thực hiện theo đúng quy định của cảng vụ.

Từ kết quả, kinh nghiệm trong công tác bảo đảm hậu cần trong chuyến công tác tại Trung Quốc của Tàu 016 – Quang Trung, cơ quan hậu cần lữ đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những cách làm mới, phù hợp với tình hình và từng nhiệm vụ cụ thể, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo đảm hậu cần, góp phần vào thành công chung cho các con tàu mỗi lần ra khơi thực hiện nhiệm vụ.

Trung tá BÙI ĐỨC VƯƠNG, Phó chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bao-dam-hau-can-hai-quan-trong-chuyen-cong-tac-tai-trung-quoc-753097