Bảo đảm kế thừa, ổn định, phát triển hệ thống pháp luật về đất đai
Chiều nay, 12/6, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.
Tham dự tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Dự thảo nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai gồm 5 chương, 68 điều với nhiều nội dung quan trọng về: Điều tra cơ bản về đất đai, đo đạc lập bản đồ địa chính; quy định chi tiết việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; xây dựng, quản lý vận hành, khai thác hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
Được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ soạn thảo, thời gian qua, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã triển khai nghiêm túc công tác tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo nghị định của các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương, các chuyên gia.
Đồng thời, rà soát, tổng hợp đầy đủ các nội dung góp ý để bổ sung, hoàn thiện dự thảo nghị định; làm rõ phạm vi điều chỉnh của nghị định, phân định rõ các phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị định với dự thảo văn bản khác quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý về kỹ thuật xây dựng văn bản, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh, bổ sung một số điều, khoản để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong thi hành Luật Đất đai, phù hợp với thực tiễn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và ban hành nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai để triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 khi luật có hiệu lực thi hành.
Đồng chí yêu cầu Bộ Tài nguyên-Môi trường tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của đại biểu các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị để rà soát, tổng hợp, chỉnh sửa dự thảo nghị định bảo đảm chi tiết, đầy đủ, đồng bộ và thống nhất với Luật Đất đai năm 2024, cũng như hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; bảo đảm kế thừa, ổn định, phát triển hệ thống pháp luật về đất đai.