Bảo đảm linh hoạt, thống nhất trong trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng nay, 27/10, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh và đại biểu Nguyễn Tiến Nam đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (BVAN, TTƠCS).
Theo đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhất trí với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và sự tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của các cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, để dự thảo luật hoàn hiện hơn trước khi trình Quốc hội thông qua, đại biểu tham gia một số ý kiến, gồm: Về lực lượng tham gia BVAN, TTƠCS, tại khoản 1, Điều 14 dự thảo Luật quy định: “Lực lượng tham gia BVAN, TTƠCS được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố (BVDP), công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của luật này”.
Tuy nhiên theo đại biểu, trong các điều, khoản tại dự thảo Luật, nhất là tại Chương 3 về xây dựng lực lượng chưa thấy đề cập đến việc quy định về kiện toàn lực lượng BVDP; đồng thời cũng không thấy có ưu tiên gì cho đối tượng là Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng mà tại dự thảo quy định chỉ “Ưu tiên tuyển chọn công dân đã có thời gian phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, công dân am hiểu về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia lực lượng tham gia BVAN, TTƠCS” (Khoản 2 Điều 13). Theo đại biểu, như vậy là không nhất quán và không đúng với tinh thần đề ra.
Ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu rõ, thực tế hiện nay, BVAN, TTƠCS, nếu ở xã đã có 3 lực lượng: Công an (được điều chỉnh theo Luật Công an nhân dân), Dân quân (được điều chỉnh theo Luật Dân quân tự vệ) và Dân phòng (Theo Luật Phòng cháy, chữa cháy); nếu ở phường, thị trấn thì có 4 lực lượng, gồm 3 lực lượng trên và thêm BVDP (theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP). Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ một số vấn đề nhằm tạo sự thống nhất, phù hợp, bảo đảm lực lượng nhưng không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Một là: Nếu đã xác định “Lực lượng tham gia BVAN, TTƠCS được kiện toàn từ lực lượng BVDP” thì cũng đồng nghĩa với việc ở phường và thị trấn khi đã thành lập lực lượng tham gia bảo vệ AN, TT thì không còn tồn tại lực lượng BVDP. Vậy thì, lực lượng này sẽ được bố trí như thế nào, nhất là đối với các trưởng, phó trưởng ban BVDP (ở phường, thị trấn) và các tổ trưởng, tổ phó tổ BVDP (ở tổ dân phố, tiểu khu); vì các chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ BVAN, TTƠCS đã do đội trưởng, đội phó đội dân phòng đảm nhiệm? (theo quy định tại khoản 3, Điều 16 dự thảo Luật thì “Tại thôn, tổ dân phố đã bổ nhiệm chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy, Công an cấp xã căn cứ năng lực, trình độ chuyên môn của người đã được bổ nhiệm để đề xuất Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định công nhận là chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ AN, TT”).
Theo đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại quy định tại khoản 3, Điều 16, vì hiện nay đa số các phường, thị trấn đều đã thành lập các đội dân phòng nên khi kiện toàn lực lượng BVDP sẽ phát sinh việc cân nhắc giữa các đội trưởng, đội phó đội dân phòng với tổ trưởng, tổ phó tổ BVDP nên chọn ai để bố trí vào vị trí tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ AN, TT để tránh xảy ra mâu thuẫn không đáng có ở cơ sở.
Hai là: Nếu có cơ cấu của lực lượng tham gia bảo vệ AN, TT đã xác định có thành phần là Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng thì cần phải ưu tiên hàng đầu cho đối tượng này nếu họ có nguyện vọng; đồng thời cần quy định cụ thể trong luật chứ không nói chung chung là đã có thời gian phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân vì đối tượng này rất nhiều, nhất là công an chính quy đã nghỉ công tác, bộ đội phục viên, xuất ngũ về địa phương…
Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong bố trí lực lượng tham gia BVAN, TTƠCS, theo đại biểu, tại Khoản 3, 4, 5 Điều 14 dự thảo Luật quy định việc phân cấp cho chính quyền địa phương quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ AN, TT, tiêu chí về số lượng chức danh của Tổ bảo vệ AN, TT; quyết định số lượng Tổ bảo vệ AN, TT cần thành lập, số lượng từng chức danh của Tổ bảo vệ AN, TT tại thôn, tổ dân phố trên địa bàn quản lý.
Khẳng định sự đổi mới, cần thiết của nội dung trên, song theo đại biểu, để tránh sự không thống nhất giữa các địa phương cũng như phòng ngừa tình trạng tăng biên chế, tăng ngân sách (vì nếu quy định như dự thảo luật có thể xảy ra ở các địa phương quyết định số lượng nhiều hơn số lượng lực lượng này hiện tại); để thuận tiện trong quá trình áp dụng Luật, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định ngay trong luật hoặc giao Chính phủ quy định những tiêu chí chung (như về dân số, diện tích, vùng miền…). Trên cơ sở đó, địa phương cụ thể hóa để phù hợp với tình hình thực tiễn về yêu cầu bảo đảm AN, TT, điều kiện kinh tế-xã hội ở địa phương mình.
Cuối cùng, để bảo đảm tính thống nhất, lôgic, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị sửa lại khoản 5 như sau: “5. Căn cứ nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND cấp tỉnh quy định tại khoản 3, 4 Điều này, Chủ tịch UBND cấp xã theo đề nghị của Công an cấp xã quyết định thành lập Tổ bảo vệ AN, TT và từng chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tưẠN, TT tại thôn, tổ dân phố.”
Đối với ngân sách hỗ trợ lực lượng, đại biểu tiếp tục đề nghị Ban soạn thảo, UBTVQH nghiên cứu, quy định phù hợp, đặc biệt với những tỉnh khó khăn, chưa đủ nguồn thu bù chi, để bảo đảm sự công bằng.
Cùng tham gia thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia BVAN, TTƠCS, đại biểu Nguyễn Tiến Nam khẳng định việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia BVAN, TTƠCS sau khi kiện toàn 3 lực lượng (BVDP, Công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng) thành một lực lượng thống nhất là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Quy định này cũng góp phần không làm tăng biên chế, đồng thời kiện toàn, tinh gọn đầu mối, khắc phục những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm linh hoạt, chủ động, thống nhất trong công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ BVAN, TTƠCS.
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam cũng thống nhất cao với 6 nhóm nhiệm vụ của lực lượng tham gia BVAN, TTƠCS và quy định theo hướng “mở” và khung tối đa số lượng tổ, các chức danh của Tổ bảo vệ AN, TT nhằm tạo điều kiện để chính quyền địa phương căn cứ yêu cầu thực tiễn quyết định số lượng tổ cần thành lập và số lượng người tham gia hoạt động là phù hợp và bảo đảm tính khả thi. Ý kiến cũng phân tích, đánh giá về chế độ, chính sách, kinh phí và nguồn nhân lực bảo đảm khi Luật được ban hành. Qua đó cho thấy kinh phí tính theo dự thảo Luật là không nhiều hơn mức chi trả hiện nay.
Bên cạnh đó, do dự thảo Luật quy định mỗi Tổ BVAN, TTƠCS có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã hoặc tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã nên khi triển khai thi hành Luật thì tổng số Tổ BVAN, TTƠCS sẽ giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm theo. Và tổng số thôn, tổ dân phố còn giảm do sáp nhập nên các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn nữa cho lực lượng tham gia BVAN, TTƠCS.
Tại khoản 1, Điều 19 dự thảo Luật cho phép kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia BVAN, TTƠCS được tiếp nhận từ các nguồn tài chính hợp pháp khác, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ thêm cho lực lượng tham gia BVAN, TTƠCS trong khi mức hỗ trợ của địa phương còn khó khăn, hạn chế, đồng thời để phòng ngừa những vấn đề phức tạp phát sinh đối với nguồn kinh phí này.
(lược ghi)