Bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết
Một mùa xuân mới đang về. Những ngày này, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hướng về người nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi người dân đều được đón Tết đầm ấm, đủ đầy.
Những dấu ấn an sinh
Trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo theo quy định, tỉnh ta còn nghiên cứu, ban hành và thực hiện một số chính sách đặc thù như: Hỗ trợ người nghèo vay vốn phát triển sản xuất; tín dụng ưu đãi cho vay học nghề, tạo việc làm, du học nghề và xuất khẩu lao động; hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo; hỗ trợ bảo hiểm y tế…
Các chính sách bắt kịp thực tiễn, có diện bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế. Nhiều chính sách đặc thù đã và đang được thực hiện đã tạo hiệu quả đậm nét cho công tác đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.
Một chính sách có tác động mạnh mẽ đến hộ nghèo, đó là Nghị quyết số 43, ngày 10/3/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025.
Thực hiện Nghị quyết số 43, đến hết năm 2024, đã có 921 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí trên 78 tỷ đồng. Đặc biệt, mới đây nhất, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết số 31 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 43 ban hành quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 với điểm nhấn là mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách. Chính sách đậm nhân văn này mở ra hi vọng, giúp người có khó khăn về nhà ở có cơ hội hiện thực khát vọng an cư.
Gia đình anh Đặng Văn Ngọc, sinh năm 1994 ở thôn 2, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan là một trong những hộ khó khăn có nhu cầu được hỗ trợ về nhà ở. Anh Ngọc chia sẻ, cha mẹ hai bên đều khó khăn, vì vậy khi lấy nhau, hai vợ chồng anh bảo nhau chăm chỉ làm ăn, nuôi con và có tích lũy để cải tạo ngôi nhà cũ đã xuống cấp. Ngôi nhà thấm, dột đến mức không thể ở được nữa, vừa qua, vợ chồng anh Ngọc quyết định vay mượn thêm họ hàng, cùng với khoản tiền nhỏ dành dụm được để tu sửa lại căn nhà. Thật không may, trong quá trình tháo dỡ, anh Ngọc bị tai nạn lao động. Anh Ngọc buồn bã: “Vậy là số tiền dành dụm và khoản tiền vay mượn để sửa nhà thì lại chuyển thành viện phí cho tôi. Giờ chấn thương vẫn phải tiếp tục điều trị trong một thời gian dài nữa, tôi không thể lao động để có thu nhập. Cả gia đình phải ở tạm trong căn bếp chật chội, không đủ che nắng mưa. Vừa rồi tôi có nghe thông tin về chính sách hỗ trợ nhà ở của tỉnh đã được mở rộng đến những hộ khó khăn không phải là hộ nghèo. Tôi cũng đã làm các thủ tục để được rà soát. Tôi hi vọng gia đình sẽ được thụ hưởng chính sách nhân văn này để có thể xây dựng được ngôi nhà mới”- anh Ngọc nói.
Cùng với việc thiết kế các chính sách hỗ trợ để người nghèo bứt phá vươn lên, tỉnh ta cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Trong năm 2024, tỉnh ta đã thăm, tặng quà cho các đối tượng người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác với trên 73 nghìn suất quà, trị giá trên 35 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, tỉnh ta đã chi trả trợ cấp thường xuyên đúng, đủ, kịp thời cho 51.159 đối tượng, với tổng kinh phí 405 tỷ đồng; có 2.654 lượt đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 130 ngày 10/12/2021 và Nghị quyết số 07 ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh, với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng; cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện tốt công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc trên 500 đối tượng bảo trợ xã hội...
Nhờ vậy, đời sống của nhóm người yếu thế được cải thiện đáng kể. Theo kết quả khảo sát, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh còn 4.720 hộ nghèo, chiếm 1,48%; 6.025 hộ cận nghèo, chiếm 1,9%, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm về công tác giảm nghèo.
Để mọi người đều được đón Tết đầm ấm, đủ đầy
Gia đình bà Trần Thị Ngọt là hộ nghèo ở xóm 6 xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn. Chồng bà bị câm điếc, mới qua đời vào cuối năm 2024, để lại cho bà hai người con trai cần phải chăm lo. Bản thân bà Ngọt cũng bị ung thư, đang phải thực hiện các đợt xạ trị.
Bà Ngọt chia sẻ: Gia đình tôi luôn nhận được sự sẻ chia, động viên của họ hàng, bà con lối xóm và chính quyền địa phương. Mới đây, gia đình tôi được lãnh đạo tỉnh, huyện và xã tới thăm, động viên và tặng quà Tết. Những tình cảm ấy sẽ là động lực để mẹ con tôi cố gắng vượt qua những khó khăn trong chặng đường phía trước”.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 18/12/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức một số hoạt động nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Kế hoạch được ban hành nhằm tăng cường công tác chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đảm bảo mục tiêu quan tâm tốt hơn đến đời sống vật chất, tinh thần người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công; gia đình diện hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Thực hiện Kế hoạch này, tỉnh ta trích kinh phí hàng chục tỷ đồng để tặng quà cho người có công; người nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đón Tết. Trong đó, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức quà và tiền mặt là 2,5 triệu đồng/hộ; hỗ trợ hộ nghèo với mức 500 nghìn đồng/hộ và 400 nghìn đồng/hộ cận nghèo. Cùng với đó, tỉnh ta còn dành nguồn kinh phí lớn khác để hỗ trợ các đối tượng như: Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội, Trung tâm phục hồi chức năng tâm thần Ninh Bình (Yên Mô), Trường Giáo dưỡng số 2; Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình…
Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các địa phương cũng chủ động thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho người có công, người nghèo, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có điều kiện tốt nhất để đón Tết, vui Xuân.