Bảo đảm môi trường sống cho voọc chà vá chân xám quý hiếm

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam Từ Văn Khánh cho biết: Qua đánh giá về số lượng và cấu trúc đàn vào đầu tháng 6/2022, đàn voọc chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận được 68 con, tăng 18 con so với lần đánh giá đầu tiên vào năm 2018.

Voọc chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Voọc chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Từ Văn Khánh, đây là kết quả đáng ghi nhận của cộng đồng trong việc bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám, sự vào cuộc tích cực của chính quyền và các ngành chức năng trong việc kiểm soát, ngăn chặn các hành vi săn bắn, bẫy bắt động vật trái phép, xử lý các tác động xấu đến rừng, đến đàn linh trưởng quý hiếm này trong thời gian qua.

Voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam và nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Quảng Nam là một trong 5 tỉnh trong cả nước được xác định là nơi phân bố của loài voọc chà vá chân xám đặc biệt quý hiếm. Để bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này, tỉnh Quảng Nam đang thực hiện việc mở rộng sinh cảnh khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành từ 30 ha lên 150 ha từ rừng sản xuất thành rừng đặc dụng nhằm mở rộng sinh cảnh, đảm bảo môi trường sống phù hợp cho sự phát triển bền vững của quần thể linh trưởng quý hiếm này.

Voọc chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Voọc chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Anh Lê Văn Dũng, thành viên tổ cộng đồng bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ chia sẻ, việc đàn voọc chà vá chân xám tăng nhanh về số lượng là kết quả của việc cộng đồng tại địa phương được hỗ trợ sinh kế để có cuộc sống tốt hơn, các hoạt động săn bắn trái phép đã chấm dứt, sinh cảnh sống của đàn vọc không bị thu hẹp và ngày càng được mở rộng hơn. Việc mở rộng sinh cảnh cho đàn voọc chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ còn là yếu tố quan trọng để giải quyết một cách triệt để tình trạng môi trường sống của loài linh trưởng quý hiếm này bị chia cắt bởi rừng sản xuất của người dân địa phương.

Tin, ảnh: Đoàn Hữu Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/bao-dam-moi-truong-song-cho-vooc-cha-va-chan-xam-quy-hiem-20220608105406289.htm