Bảo đảm ngân sách bền vững, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương

Cho ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ chiều 26.10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận tại báo cáo của Chính phủ đã thể hiện quyết tâm bố trí các nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương…; đồng thời, đề nghị cần chú trọng thực hiện ngân sách bền vững từ thu thuế, phí.

Có giải pháp kịp thời để sớm ổn định thị trường vàng

Thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Kiên Giang và Lào Cai), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của các ĐBQH đối với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo đó, những nội dung, vấn đề nào có thể sửa đổi ngay được thì Chính phủ, Quốc hội có thể sửa đổi ngay và đưa ra các giải pháp kịp thời.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại thảo luận tại Tổ. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại thảo luận tại Tổ. Ảnh: Hồ Long

Về vấn đề tài chính, ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, tại báo cáo của Chính phủ đã thể hiện quyết tâm bố trí các nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương…

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động thì tình hình sản xuất, kinh doanh, các mối quan hệ về xuất nhập khẩu, các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bên cạnh thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dù ngân sách có thể xấp xỉ đạt và vượt nhưng cần chú trọng thực hiện ngân sách bền vững từ thu thuế, phí từ doanh nghiệp, các địa phương. Theo đó, các địa phương đang tạo nguồn thu lớn cần tiếp tục đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước để giải quyết chính sách xã hội.

Tại Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội, năm 2025 chưa xem xét tăng lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công. Trong điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý bất cập của một số đối tượng, ngành nghề như y tế, giáo dục. “Đây là giải pháp phù hợp để chúng ta tập trung nguồn lực thực hiện các mục tiêu lớn hơn, tiếp tục giải quyết các vấn đề về kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận thấy, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp về thuế như đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... để làm sao ngày càng huy động được các nguồn lực cũng như chống thất thu về thuế, phù hợp với các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Ghi nhận những kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được trong 9 tháng đầu năm 2024 nhưng ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) lưu ý, sự biến động của thị trường vàng tác động lớn đến tâm lý của người dân.

 ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Năm 2024, giá vàng trong nước và thế giới có sự chênh lệch lớn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp cho phép 4 ngân hàng được bán vàng cho người dân với giá sát với giá trên thế giới để giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, thị trường vàng trên thị trường vàng gặp nhiều khó khăn như người dân có dịp cưới hỏi mua muốn 1 - 2 chỉ vàng rất khó khăn.

Với thực tế trên, đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị Chính phủ cần làm rõ về thị trường vàng chính thức và không chính thức, cũng như có giải pháp kịp thời để chống vàng hóa góp phần đưa thị trường vàng ổn định, vận hành bình thường, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch vàng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến việc mở rộng tiêm chủng vaccine, đại biểu Nguyễn Danh Tú bày tỏ lo ngại khi việc thiếu vaccine tại các bệnh viện có thể ảnh hưởng đến việc tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, một số bệnh như sởi, bạch hầu lại quay trở lại ở một số nơi. Chính vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp, chính sách căn cơ đối với việc tiêm chủng mở rộng, tiến độ tiêm chủng, giải quyết việc thiếu thuốc, vaccine nhằm đảm bảo quyền lợi tiêm chủng cho các cháu nhỏ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn cao, nhà tạm, nhà dột nát còn tồn tại. Do đó, các ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) tán thành với đề nghị của Chính phủ về thực hiện phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025 bằng việc cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương và địa phương để thực hiện việc này và cho phép chuyển nguồn kinh phí năm 2024 chưa sử dụng hết sang năm 2025 tiếp tục thực hiện, cho phép các địa phương được sử dụng khoản cắt giảm, tiết kiệm này để hỗ trợ địa phương khác triển khai thực hiện.

Nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về cách tính giá điện theo phương thức mới

Đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu đều thống nhất về việc sửa đổi Luật này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay cũng như cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về cách tính giá điện theo phương thức mới, phát triển các loại năng lượng mới song song với đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng...

 ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về cấp độ phát triển thị trường điện cạnh tranh, tại khoản 3, Điều 61 dự thảo Luật quy định, Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh; quy định nguyên tắc hoạt động, lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh phù hợp với quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 5 của Luật này và tình hình kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ”.

Để hoàn thiện quy định này, ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai) đề nghị bổ sung quy định cụ thể cho phép dừng thị trường điện khi giá thị trường điện lên quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng hoặc bên mua điện (trong trường hợp chi phí thị trường chưa được chuyển ngang toàn bộ vào giá bán lẻ điện).

Đại biểu nêu rõ, giá thị trường điện ngày càng có xu hướng tăng cao bởi các yếu tố đầu vào như nhiên liệu. Khi đó sẽ có trường hợp giá thị trường lên quá cao và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng hoặc bên mua điện; do đó, cần có cơ chế xem xét dừng thị trường điện trong trường hợp này và luật hóa trong quy định của Luật Điện lực.

Để có cơ chế hỗ trợ cho phát triển dự án điện gió ngoài khơi, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề nghị bổ sung thêm điểm d khoản 4 Điều 39 theo hướng cho doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện dự án điện gió ngoài khơi được: Nhà nước ưu tiên bố trí vốn đầu tư công ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để khảo sát, thực hiện đầu tư; miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; được phê duyệt cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một khách hàng và người có liên quan để vay vốn thực hiện dự án đầu tư điện gió ngoài khơi…

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-ngan-sach-ben-vung-phat-huy-vai-tro-chu-dao-cua-ngan-sach-trung-uong-post394466.html