Bảo đảm nguồn cung hàng hóa Tết Tân Sửu 2021
Ðến thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Ðến thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Cùng với đó, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường dự trữ lượng hàng hóa khá lớn để bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả trong trường hợp thị trường có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa.
Trong những ngày này, tại ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm: Bình Ðiền (quận 8), Thủ Ðức (TP Thủ Ðức), Hóc Môn (huyện Hóc Môn) hoạt động mua bán diễn ra sôi động. Ðể đáp ứng nguồn hàng cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, Chợ đầu mối Hóc Môn đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ rất sớm với phương châm không để xảy ra biến động về cung cầu. Theo đó, dự báo lượng hàng nhập chợ trong tháng Chạp khoảng 77 nghìn tấn với lưu lượng khoảng 2.500 tấn/ngày - đêm, tăng 2,8% so với ngày bình thường.
Trong đó, sáu ngày cao điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (từ ngày 25 đến 30 tháng Chạp), lượng hàng tăng khoảng 5% so với ngày bình thường. Ðối với lượng hàng hóa dự trữ, nhất là rau, củ, quả và trái cây, các thương nhân tại chợ đầu mối Hóc Môn đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa tại kho lạnh, xe công-ten-nơ lạnh… với hơn 1.500 tấn và sẽ luân chuyển thường xuyên để kịp thời bổ sung tại chợ.
Chợ đầu mối Hóc Môn cũng mở thêm những quầy hàng trái cây để phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Riêng mặt hàng thịt heo (thịt lợn), số lượng heo về chợ khoảng 5.000 con, giá heo hơi loại 1 ở mức 79,5 nghìn đồng/kg, loại 2 ở mức 76,5 nghìn đồng/kg. So với cách đây khoảng một tháng tăng hơn 10 nghìn đồng/kg heo hơi. Tuy nhiên, theo các thương lái, lượng heo tại các trang trại vẫn ổn định, bảo đảm nguồn cung cho thị trường Tết và hiện tại giá heo hơi tại các địa phương Ðông Nam Bộ có chiều hướng đang giảm. Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn nhận định: Lượng hàng thực phẩm về chợ dồi dào, tổng lượng dự kiến tăng hơn Tết Nguyên đán 2020, bảo đảm nguồn cung cho thị trường trước, trong và sau Tết năm nay.
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố chủ yếu từ ba nguồn chính: các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, chiếm từ 30% đến 40% thị phần; các chợ đầu mối (mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% - 70% thị phần; các DN khác chiếm 10% - 20% thị phần. Lượng hàng hóa các DN sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng Tết là hơn 19.679 tỷ đồng, tăng 652 tỷ đồng (tương ứng 3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng.
Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.425 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng. So với Tết Canh Tý 2020, năm nay lượng hàng hóa tăng từ 12% đến 21,2% so với kế hoạch thành phố giao Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tăng từ 4,4% đến 17,3%. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị số lượng lớn, chi phối từ 22% đến 54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)... Về các mặt hàng bánh, mứt, kẹo..., các công ty sản xuất bánh kẹo năm nay tiếp tục tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau, bình quân 200 nghìn đồng/hộp, dòng cao cấp từ hai triệu đồng đến ba triệu đồng/hộp...
Nhiều nhà sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm phân khúc dành riêng cho Tết với bao bì bắt mắt, mang đậm màu sắc, không khí Tết. Cũng theo Sở Công thương thành phố, nhìn chung, tình hình thị trường Tết trên địa bàn thành phố có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý và nhiều DN thành phố có điều kiện mở rộng thị phần và mạng lưới phân phối. Trong đó, tại các Hội nghị Kết nối cung - cầu, Sở Công thương đã làm việc với các địa phương trên phạm vi cả nước để bổ sung thêm nguồn hàng đặc sản các vùng miền phục vụ người dân thành phố.
Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Lê Huỳnh Minh Tú cho biết: Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các kênh phân phối hoạt động xuyên suốt, chỉ nghỉ đêm giao thừa, bảo đảm hoạt động luân chuyển hàng hóa không gián đoạn. Theo đề nghị của Sở Công thương, các siêu thị tăng lượng hàng cung ứng Tết gấp từ hai đến ba lần so với ngày thường và tăng cường công suất phục vụ và kéo dài thời gian hoạt động trong những ngày giáp Tết, chỉ nghỉ từ trưa ngày 30 tháng Chạp và khai trương lại vào sáng mồng 2 Tết. Qua đó, người dân yên tâm không cần mua số lượng hàng hóa lớn để trữ ăn Tết. Về giá cả, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết Nguyên đán. Ðồng thời, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu trong những ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu, như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…
Cùng với đó, trong những ngày giáp Tết, Sở Công thương phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động không có điều kiện về quê vui Tết. Có ba đơn vị tham gia bình ổn thị trường làm đầu mối thực hiện, gồm: Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op; Tổng công ty Thương mại Saigon - Satra và Công ty Ba Huân. Các đơn vị nêu trên sẽ triển khai 350 chuyến bán hàng lưu động các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hàng hóa đặc trưng mùa Tết với giá bán thấp hơn so với mặt bằng giá hàng bình ổn khoảng 5%.