Bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn

Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo lợi nhuận dẫn đến tình trạng mất an toàn thực phẩm từ nông sản là thực tế đã và đang diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội, gây lo lắng cho người tiêu dùng. Do vậy, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm là yêu cầu đặt ra nhằm góp phần bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn cho thị trường Thủ đô dịp cuối năm, hạn chế tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra nguồn gốc mặt hàng thịt lợn tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Quỳnh Giang

Phát hiện nhiều vi phạm

Thời gian gần đây, các vụ nông sản, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện tiếp tục gây lo lắng cho người tiêu dùng. Vụ ngộ độc pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới có trụ sở tại huyện Đông Anh cách đây vài tháng là một ví dụ. Mặc dù ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản trên thị trường, song do sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đa phần nhỏ lẻ nên khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Giang Nam, tiểu thương tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho hay: "Chủ đại lý nói là nhập khoai tây ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh… về bán, nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra thì không chứng minh được nguồn gốc và không ghi chép đầy đủ hồ sơ sản phẩm. Chúng tôi bán lẻ, chỉ mong nhập được nông sản có nguồn gốc rõ ràng để kinh doanh ổn định".

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát thông tin, qua kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối và các cơ sở sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn, Chi cục đã phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ. Tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai)... vẫn còn nhiều hộ kinh doanh không ghi chép đầy đủ thông tin về hàng hóa, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Về nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm còn nhiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, một bộ phận người sản xuất, kinh doanh nông sản chạy theo lợi nhuận nên đã có hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra thực tế, các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 108 cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản, xử phạt 50 tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 340 triệu đồng; buộc tiêu hủy 193 tấn ngô giống hết hạn sử dụng có giá trị hàng hóa lên đến hơn 17 tỷ đồng. Cùng với đó, Thanh tra Sở phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố) xử phạt 5 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giết mổ gia súc vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với số tiền 36 triệu đồng...

Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Tăng cường kiểm tra đột xuất

Từ nay đến cuối năm, hoạt động vận chuyển, kinh doanh nông sản, thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp, đáng lo ngại nhất là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Do vậy việc tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn trên thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Chánh Thanh tra Sở NN& PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết, nhằm kịp thời phát hiện vi phạm, thời gian tới, các đơn vị chức năng của ngành Nông nghiệp sẽ chuyển hướng hoạt động thanh tra chuyên ngành từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất. Trong đó chú trọng vào những mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày của người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn đầu vào vật tư nông nghiệp để kịp thời phát hiện vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Về vấn đề này, Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Đào Văn Đô thông tin, trung bình mỗi ngày, chợ tiêu thụ 380-400 tấn nông sản, thực phẩm. Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, từ nay đến Tết Nguyên đán, Ban Quản lý chợ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra nguồn gốc nông sản bán tại chợ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Để bảo đảm nguồn nông sản an toàn cho thị trường Thủ đô, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, cùng với việc phối hợp với các sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố bạn cung ứng thực phẩm sạch cho Hà Nội, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối nông sản, cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản. Trong đó, chú trọng kiểm tra những mặt hàng tươi sống phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, lấy mẫu truy xuất nguồn gốc xuất xứ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh nông sản.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/985610/bao-dam-nguon-cung-nong-san-an-toan