Bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân
Hiện nay, nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm đã được giữ ổn định, không khan hiếm. Tuy nhiên, trước tình hình một số doanh nghiệp sản xuất trong ngành thực phẩm gặp khó khăn trong việc thực hiện '3 tại chỗ' để duy trì sản xuất, việc bảo đảm cung ứng mặt hàng này đang được các cấp, ngành quan tâm.
Các cấp, ngành thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực không để nguồn cung thực phẩm tươi sống khan hiếm.
Ghi nhận tại siêu thị Vinmart (phường Tân Thuận Đông, quận 7) cho thấy, nhóm mặt hàng thịt như thịt lợn, gà đều dồi dào vào các ngày trong tuần. Đại diện siêu thị này cho biết, nhóm hàng thực phẩm tươi sống được nhập về buổi sáng cùng ngày, vào những ngày cuối tuần, thỉnh thoảng xảy ra tình trạng hết hàng vào khung giờ 15h-17h. Chị Phan Kim Thoa (ở đường Trần Trọng Cung, phường Tân Thuận Đông) cho biết, khoảng một tháng nay, mỗi lần đi siêu thị Vinmart chị phải xếp hàng vì lượng khách đông. Dù vậy, về cơ bản, chị vẫn mua được các sản phẩm thịt tươi sống như nhu cầu.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố cần khoảng 700 tấn thịt lợn, 250.000 con gia cầm mỗi ngày. Tuy nhiên, do trong giai đoạn giãn cách xã hội nên nguồn cung thịt lợn, gia cầm đang gặp khó khăn. Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), một trong những nhà cung ứng thịt lợn lớn tại thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp phải cắt giảm số lượng lao động tham gia sản xuất nên công suất giảm. Ngoài ra, nguồn cung ứng nguyên liệu cũng gặp khó do giãn cách nên sản lượng cung ứng giảm theo. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao nên xảy ra khan hiếm hàng hóa cục bộ tại một số thời điểm.
Theo Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh (FFA) Lý Kim Chi, sau gần một tháng thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, một số doanh nghiệp chủ lực của ngành, tập trung ở nhóm sản xuất thịt gia súc, gia cầm cố gắng duy trì sản xuất. Tuy nhiên, việc kéo dài mô hình trên có thể khiến các doanh nghiệp này không còn đáp ứng được nhu cầu, nguy cơ ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, cung ứng mặt hàng thịt tươi sống.
Để khắc phục tình trạng này, FFA kiến nghị thành phố cần thành lập tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp sàng lọc, cách ly nhanh các nhóm nguy cơ cao ra khỏi nhà máy; bóc tách, đánh giá nhóm đối tượng đưa vào các khu riêng biệt theo từng dây chuyền, phân xưởng để bảo đảm tiếp tục duy trì sản xuất an toàn; đồng thời, tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm từ 18h đến 6h sáng hôm sau… FFA cũng kiến nghị UBND thành phố đề xuất Bộ Y tế sớm hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức tập huấn cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện “y tế tại chỗ” nhằm duy trì sản xuất liên tục, không làm gián đoạn.
Tại buổi làm việc với doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp phải giải quyết bài toán khó là cắt giảm số lượng công nhân trong nhà máy, nhưng đồng thời phải tăng công suất để bảo đảm sản lượng lương thực, thực phẩm, nhất là nhóm hàng thịt tươi sống. Để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương yêu cầu các chuỗi cung ứng của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH San Hà, Vissan, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam... triển khai phương án tăng nguồn dự trữ hàng hóa, tránh thiếu hụt cục bộ.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn do dịch bệnh, thành phố sẽ ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động thuộc ngành lương thực, thực phẩm; đồng thời cho phép người lao động sau khi hoàn thành thời gian cách ly y tế tập trung được quay trở lại làm việc ngay, duy trì hoạt động sản xuất an toàn. Đối với khâu lưu thông, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Hội Lương thực thực phẩm thành phố kết nối trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm để thiết lập các đầu mối phân phối đến người tiêu dùng.
Đối với nguồn cung thịt lợn, gà từ các tỉnh, thành khác, UBND thành phố kiến nghị Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành ưu tiên hoạt động sản xuất nông nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm tươi sống.