Bảo đảm nguồn cung vật liệu cho các dự án giao thông

Hiện nay, nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đang được gấp rút triển khai thi công, kéo theo đó là nhu cầu cao về vật liệu xây dựng (VLXD). Trong khi các mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh bị giới hạn bởi công suất khai thác, cùng lúc cấp cho nhiều dự án khác nhau, việc vận chuyển vật liệu từ các địa phương khác về gặp nhiều khó khăn đã khiến cho nguồn cung bị thiếu hụt, ảnh hưởng tới tiến độ thi công dự án.

Thi công xây dựng tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Ông Nguyễn Văn Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thịnh Phát cho biết: Công ty đang là một trong những nhà thầu thi công Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài. Thời gian qua, giá nhiên liệu, VLXD có biến động lớn đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng; gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công, đặc biệt, trong khoảng thời gian từ tháng 6.2022 đến nay, quá trình thi công dự án đã xuất hiện tình trạng khan hiếm cục bộ một số loại nguyên vật liệu tại một số thời điểm. Do đó, công ty vừa thi công, vừa nhận định tình hình thị trường để xây dựng phương án thi công phù hợp, bảo đảm tiến độ kế hoạch đề ra.

Dự án xây dựng đường nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2 đang ở giai đoạn cao điểm thi công để kịp tiến độ hoàn thành dự án vào cuối năm nay, nhưng do thời tiết mùa mưa và giá vật liệu, chi phí vận tải tăng cao đã ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Dù vậy, nhà thầu vẫn nỗ lực để đẩy nhanh thi công với mục tiêu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Văn Công, Chỉ huy trưởng công trình xây dựng đường nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2 cho biết: Để bảo đảm nguồn cung vật liệu, ngay từ khi triển khai thi công dự án, công ty đã ký hợp đồng với chủ các mỏ khai thác, các bến, bãi, cam kết cung ứng đủ khối lượng cho dự án. Bên cạnh đó, công ty chủ động đề xuất với tỉnh cấp riêng mỏ cát để công ty khai thác, phục vụ thi công dự án. Hầu hết các nhà đầu tư dự án hạ tầng đều đo lường những rủi ro trước khi làm dự án nhưng với biến động giá vật liệu quá lớn thời gian qua, các nhà đầu tư không thể theo kịp thực tế. Hiện nay, nội dung hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư tư nhân với cơ quan quản lý nhà nước có điều khoản về trường hợp có biến động giá thì được điều chỉnh. Do đó, để bảo đảm tiến độ các dự án đang đầu tư, rất cần có cơ chế điều chỉnh giá phù hợp, kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Nha, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh (Kim Động) cho biết: Công ty chuyên cung ứng VLXD cho các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, nhu cầu VLXD đang rất lớn, nhưng từ đầu năm đến nay, nguồn cung ứng một số loại, nhất là cát và đá xây dựng khan hiếm hơn. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều mỏ cát trên sông giảm trữ lượng; ngành chức năng quản lý chặt chẽ, chấn chỉnh, đưa hoạt động khai thác cát vào nề nếp, lượng cát cung cấp cho thị trường giảm nhiều, nên giá tăng lên. Trong khi đó, giá nhiều loại VLXD tăng cao như gạch, đá, xi măng… Công ty phải nỗ lực để tìm các nguồn dự trữ bởi những tháng cuối năm, khi các nhà thầu đẩy mạnh thi công, nguy cơ khan hiếm càng lớn.

Để bảo đảm nguồn cung vật liệu cho các dự án, ngày 18.7.2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 31/2022/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Điều 22 của Quy định quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ban hành kèm theo Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 2.6.2017 của UBND tỉnh. Cùng với sửa đổi, bổ sung quy định, hiện nay, các đơn vị được cấp phép khai thác các mỏ cát trên địa bàn tỉnh được phép khai thác cát cả trong mùa mưa bão khi mực nước sông Hồng ổn định, không có báo động lũ từ cấp I trở lên. Tuy nhiên, do số lượng mỏ tài nguyên khoáng sản của tỉnh hạn chế về chủng loại, trữ lượng không nhiều nên mặc dù được tỉnh tạo cơ chế thuận lợi, nhiều dự án vẫn gặp khó khăn trong thời điểm giá VLXD tăng cao, nhiều loại mặt hàng khan hiếm như hiện nay.

Theo dự báo, thời gian tới, giá một số loại VLXD sẽ khó giảm xuống, thậm chí còn tiếp tục tăng cao do nhiều công trình đầu tư công quy mô lớn bắt đầu khởi động. Tình trạng giá VLXD tăng cao, nguy cơ chậm tiến độ các dự án, nhất là dự án đầu tư công càng hiện hữu. Vì vậy, chủ đầu tư dự án giao thông, các địa phương cần tăng cường giám sát, đôn đốc nhà thầu bảo đảm công tác thi công để đáp ứng yêu cầu chung về tiến độ dự án. Về phía nhà thầu thi công các dự án giao thông, phần lớn đều cam kết nỗ lực thi công theo tiến độ hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, nếu giá VLXD tiếp tục tăng cao, nhà thầu cũng mong muốn các cơ quan chức năng sớm có giải pháp bù giá để giảm bớt khó khăn, bảo đảm tiến độ công trình.

Bên cạnh đó, để tháo gỡ khan hiếm VLXD tại các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, cần có cơ chế để tiến hành khảo sát kỹ lưỡng và cấp riêng mỏ vật liệu cho từng dự án. Điều này sẽ giải quyết được vấn đề thiếu một số loại VLXD tại các dự án giao thông lớn; đồng thời ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, tích trữ và đẩy giá vật liệu khi khan hiếm; nhà đầu tư, nhà thầu cũng yên tâm dồn lực để thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án.

Phạm Đăng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202208/bao-dam-nguon-cung-vat-lieu-cho-cac-du-an-giao-thong-d9d4937/