Chủ động nguồn vật liệu cát cho dự án đường Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các nhà thầu phải chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu cho dự án đường Hồ Chí Minh, đảm bảo hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.

Ngày 18/11, tại TP. HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện Dự án Đường Hồ Chí Minh do Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại buổi làm việc với Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại buổi làm việc với Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa khởi công ngày 18/11/2023, đi qua các tỉnh: Bình Dương (30,85 km), Tây Ninh (21,7 km), Long An (20,2 km), với tổng mức đầu tư 2.292,776 tỷ đồng.

Dự án có 3 gói thầu xây lắp, đã xác định đủ nguồn vật liệu đắp cho dự án, giá trị thực hiện đến nay đạt gần 41%, đáp ứng yêu cầu về tiến độ. Dự án có điều kiện thi công thuận lợi, do đó các nhà thầu đang phấn đấu rút ngắn tiến độ hoàn thành trước 3 tháng so với yêu cầu.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh báo cáo tình hình triển khai thi công các dự án

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh báo cáo tình hình triển khai thi công các dự án

Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận đi qua tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu với tổng chiều dài 51,94 km, tổng mức đầu tư 3.904,072 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành năm 2025 nhưng đến nay đang gặp nhiều khó khăn trong công tác GPMB và nguồn vật liệu.

Theo đó, các địa phương đã bàn giao 42,07/51,94 km tuyến chính (đạt 81%), trong đó tỉnh Kiên Giang đã bàn giao 36,60/45,27 km (đạt 80%), tỉnh Bạc Liêu đã bàn giao 5,47/6,67 km (đạt 82%).

Về di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, các địa phương vẫn đang thực hiện các thủ tục phê duyệt phương án và lựa chọn đơn vị thi công.

Đối với nguồn vật liệu cát đắp, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 1,85 triệu m3, tuy nhiên đến nay mới xác định được khoảng 0,5/1,85 triệu m3 cát từ các mỏ thương mại (đã tập kết về công trường được khoảng 150.000 m3).

Nhà thầu tập trung thi công các cầu trên tuyến

Nhà thầu tập trung thi công các cầu trên tuyến

Để bảo đảm đủ nguồn cát đắp, các đơn vị đã chủ động làm việc với địa phương để bổ sung thêm nguồn cát tại tỉnh Tiền Giang (mỏ Hòa Hưng 1 với trữ lượng khoảng 1,98 triệu m3) và Kiên Giang (khu vực cát biển tại Bãi Bắc, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải) nhưng tiến độ thực hiện các thủ tục cấp phép để khai thác còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Do thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp nên việc thi công hệ thống đường công vụ chưa được hoàn thiện, đến nay mới hoàn thành được khoảng 5/45 km đường công vụ và chỉ tiếp cận thi công được 11/25 cầu, 14/25 cầu còn lại hiện chưa có mặt bằng và chưa có đường tiếp cận.

Đại diện nhà thầu Hải Đăng tham gia tại hai dự án cam kết tập trung máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công

Đại diện nhà thầu Hải Đăng tham gia tại hai dự án cam kết tập trung máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các nhà thầu thi công đều nêu khó khăn trong công tác tìm kiếm nguồn vật liệu. Đại diện tư vấn giám sát cũng khẳng định, việc nhà thầu không chủ động tìm nguồn vật liệu cát, đá theo cam kết sẽ khó hoàn thành dự án theo yêu cầu đề ra.

Sau khi nghe Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công báo cáo, ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm và đại diện các cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thống nhất Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận sẽ phải hoàn thành vào cuối năm 2025.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ GTVT, sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng tình, ủng hộ của người dân khu vực, thời gian gần đây, công tác GPMB đã được cải thiện đáng kể, đủ công địa cho việc tổ chức triển khai thi công. Tuy nhiên, các vướng mắc về mặt bằng các dự án, nguồn vật liệu của dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận vẫn còn là thách thức lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Dự án gặp nhiều khó khăn trong công tác GPMB

Dự án gặp nhiều khó khăn trong công tác GPMB

Bộ GTVT đánh giá cao những nỗ lực và ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua của Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu. Tuy nhiên, khối lượng còn lại của các dự án là rất lớn, trong khi mục tiêu hoàn thành vào năm 2025 là không thay đổi.

Để hoàn thành các nhiệm vụ này, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan cần hết sức nỗ lực, quyết liệt triển khai các công việc.

Theo đó, Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý dự án; chủ động nhận diện những vấn đề tồn tại, bất cập trong công tác triển khai thi công để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm mục tiêu hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch.

Đặc biệt, đơn vị phải thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch để kịp thời có giải pháp xử lý các nhà thầu, đơn vị chậm trễ. Giám đốc Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh phải tổ chức họp kiểm điểm và đánh giá hàng tuần, chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc tổ chức triển khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng thi công.

Về công tác GPMB phải tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền của địa phương để sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại còn lại, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án trong năm 2024, đặc biệt đối với các vị trí đường tiếp cận công trường, di dời hạ tầng kỹ thuật.

Về vật liệu xây dựng, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh chỉ đạo các nhà thầu trên cơ sở nhu cầu vật liệu của dự án chủ động nguồn vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công, đặc biệt đối với vật liệu cát đắp nền phải bảo đảm công suất cung ứng theo tiến độ dự án.

Nhà thầu phải khẩn trương tập kết vật liệu cấp phối đá dăm, đá sản xuất bê tông nhựa về công trường để chủ động nguồn vật liệu phục vụ thi công, không làm ảnh hưởng đến tiến độ.

Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang để sớm hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ, tổ chức khai thác cát cung cấp cho dự án.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà thầu huy động đầy đủ máy móc thiết bị, nhân vật lực theo tiến độ được chấp thuận, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp". Giai đoạn này, nhà thầu phải tranh thủ điều kiện thời tiết bắt đầu vào mùa khô để tập trung thi công.

“Chúng ta phải tập trung giải ngân 100% vốn đầu tư công bố trí cho các dự án trong năm 2024, yêu cầu giải ngân phải thực chất đi cùng với khối lượng thực tế trên công trường; phối hợp, hỗ trợ cho nhà thầu trong công tác nghiệm thu, thanh toán, tuân thủ theo các điều kiện hợp đồng và quy định pháp luật để bảo đảm nguồn lực tài chính cho các nhà thầu; tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát chất lượng công trình, đảm bảo ATGT, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công. Nhà thầu nào yếu, làm chậm, không triển khai theo yêu cầu tiến độ phải có biện pháp nhắc nhở, xử lý hoặc thay thế”, Bộ trưởng quán triệt.

Mỹ Lệ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/chu-dong-nguon-vat-lieu-cat-cho-du-an-duong-ho-chi-minh-183241118203700728.htm