Bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các tỉnh, thành phố phía nam đã kết nối với nhiều doanh nghiệp dự trữ, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, nhiều địa phương đang bước vào vụ thu hoạch nông sản với sản lượng dồi dào, đây sẽ là nguồn cung đáp ứng nhu cầu tại địa phương và tiêu thụ ra các tỉnh, thành phố trong nước cũng như xuất khẩu.
Chủ động dự trữ, bảo đảm nguồn cung
Sau khi tạm dừng hoạt động tất cả chợ truyền thống trên địa bàn để phòng, chống dịch bệnh, Sở Công thương TP Cần Thơ đã “đưa chợ ra phố” và thực hiện bán hàng bình ổn tại năm địa điểm ở huyện Phong Điền và hai quận Bình Thủy, Ninh Kiều. Khu vực bố trí chợ rộng rãi, thoáng mát, bảo đảm điều kiện an toàn phòng, chống dịch; cả người mua và người bán tuân thủ nghiêm 5K.
Ghi nhận tại điểm chợ trên đường Trần Văn Hoài, các gian hàng bố trí cách xa nhau khoảng 10 m. Mỗi gian hàng đều niêm yết giá công khai, căng dây, kẻ ô vị trí đứng cho từng người mua cách nhau 2 m. Bên cạnh đó, cán bộ khu vực, phường và lực lượng công an tham gia giám sát, nhắc nhở người dân bảo đảm khoảng cách, đeo khẩu trang và giữ gìn an ninh trật tự. Hiện lượng người đến chợ khá ít, không có tình trạng tập trung đông.
Tại Kiên Giang, khách mua sắm tại các hệ thống siêu thị cũng không đông, chủ yếu chọn mua lương thực, thực phẩm, hàng tươi sống. Chị Thu Tâm, đại diện siêu thị Co.opmart Rạch Giá cho biết, quan tâm hàng đầu là thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Loa phát thanh của siêu thị liên tục nhắc nhở nhân viên và khách hàng tuân thủ 5K. Mặt khác, nguồn hàng cung cấp dồi dào nhưng do khó khăn về vận chuyển, giá có nhích lên chút đỉnh.
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Nguyễn Việt Hoàng, các đơn vị cung ứng hàng hóa đều đã cam kết bảo đảm nguồn hàng, không tăng giá trong những ngày giãn cách xã hội. “Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu với nhiều cấp độ, kịch bản, giao cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện. Hiện tỉnh đang thực hiện cấp độ 3, hàng hóa dự trữ phải bảo đảm cung ứng trong vòng 21 ngày”, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Việt Hoàng thông tin.
Giám đốc siêu thị Co.opmart Vị Thanh (Hậu Giang) Trần Trung Hiếu cũng cho biết, lượng hàng hóa của siêu thị đã nhập về đầy đủ và hiện tại khá dồi dào, nhất là các loại rau xanh, củ, quả. Sắp tới, các kho của hệ thống Co.opmart sẽ được tăng cường nên nguồn cung chắc chắn ổn định. Siêu thị đang tiếp tục bổ sung nhân lực cho bộ phận bán hàng qua điện thoại, Zalo, giao hàng tận nơi để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn khi mua sắm, vừa bảo đảm quy định phòng, chống dịch bệnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên chia sẻ, để chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong những ngày giãn cách xã hội, bằng nguồn vốn tự cân đối, đã có chín đơn vị, doanh nghiệp tham gia công tác bình ổn thị trường với tổng số hơn 8.150 tấn hàng, tương đương khoảng 200 tỷ đồng. Tại tám huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã triển khai các phương án dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân theo 5 cấp độ phòng, chống dịch với số lượng gần 26.870 tấn, tương đương hơn 377 tỷ đồng.
Khai thông “dòng” hàng hóa
Được sự chấp thuận của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, từ ngày 19/7, Công ty Công Nghệ Xanh DP đã dùng tàu cao tốc chở khách để chuyên chở rau, củ từ Tiền Giang về thành phố. Tổng Giám đốc Công ty Trần Song Hải cho biết: “Thời gian vận chuyển hàng hóa từ Tiền Giang về TP Hồ Chí Minh chỉ mất ba giờ. Công ty hiện có năm tàu cao tốc, mỗi tàu có khả năng chở 20 tấn hàng hóa. Chúng tôi sẽ hỗ trợ Sở Công thương thành phố vận chuyển hàng hóa cho tới khi không còn nhu cầu”. Ngoài việc tạo “luồng xanh đường thủy”, đến nay Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cấp gần 40 nghìn Giấy ưu tiên phương tiện có mã QR (tạo “luồng xanh đường bộ”) cho các xe của 68 đơn vị vận chuyển hàng hóa thiết yếu, sản xuất, kinh doanh từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh khu vực Đông, Tây Nam Bộ và ngược lại. Qua đó, giúp thời gian vận chuyển hàng hóa nhanh và thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Do có vị trí địa lý tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh, hàng chục hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất rau và các doanh nghiệp (DN) gạo ở Long An đã chọn “luồng xanh đường bộ” để chuyển hàng hóa về thành phố. Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa, Long An) Nguyễn Quốc Cường cho biết: Hiện luồng xanh vận chuyển hàng nông sản bằng đường bộ qua các tỉnh đã nhanh và thuận lợi hơn những ngày trước. Tuy nhiên, một nghịch lý là các chuỗi tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh lại cắt giảm sản lượng với lý do không bán được hàng.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Bến Tre đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô về việc cấp thẻ nhận diện phương tiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi (luồng xanh) trong hoạt động vận tải. Giám đốc Sở Công thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và đề nghị các địa phương rà soát lại việc thu hoạch và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản của nông dân, đồng thời kết nối với Sở Công thương TP Hồ Chí Minh để cung ứng hàng hóa. Hiện, luồng xanh đường bộ và đường thủy là bến phà tạm Rạch Miễu (sông Tiền) đã sẵn sàng cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm lên TP Hồ Chí Minh,... Có thể thấy, từ sự phối hợp triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp, nguồn hàng từ các vùng sản xuất đã được khơi thông, “chảy” về thành phố thuận lợi, dồi dào, giảm áp lực đáng kể về hàng hóa cho thành phố so với những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16.
Hàng hóa sản xuất trong dân dồi dào
Hiện các tỉnh khu vực ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch nông sản như lúa, rau mùa, cây ăn trái nên sản lượng rất dồi dào. Bên cạnh việc cung ứng hàng hóa nông sản tiêu thụ cho nội tỉnh, vẫn còn một lượng lớn cần tiêu thụ tại các thành phố lớn và xuất khẩu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, trong tháng 7 và tháng 8 tỉnh sẽ thu hoạch 352 nghìn tấn lúa; bảy nghìn ha rau củ, sản lượng hơn 106 nghìn tấn; trong khi sản lượng lúa tiêu thụ nội tỉnh chỉ hơn 90 nghìn tấn và nông sản các loại nên nguy cơ tồn đọng, khó tiêu thụ rất lớn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm thông tin, sản lượng nông sản trong tỉnh hiện rất dồi dào. Từ nay đến tháng 9 sẽ thu hoạch gần 160 nghìn ha lúa với sản lượng hơn 890 nghìn tấn. Riêng rau màu hiện thu hoạch 8.806 ha, đạt 52% tổng diện tích gieo trồng; đến cuối tháng 7 thu hoạch tiếp khoảng 42 nghìn tấn, bình quân các tháng tiếp theo thu hoạch khoảng 83 nghìn tấn. Theo ước tính, tiêu thụ nội địa sẽ khoảng 30%, còn lại cần xúc tiến tiêu thụ ra các tỉnh khác. “Tôi đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình tiêu thụ nông sản tỉnh An Giang, đề xuất xem xét cho phép người lao động trong tỉnh tập trung dưới 20 người tại một địa điểm thu hoạch lúa, với điều kiện những người này đều có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính”, Giám đốc Sở Nguyễn Sĩ Lâm cho hay.
Trong khi đó, từ nay đến cuối tháng 7, Cần Thơ sẽ thu hoạch dứt điểm hơn 75 nghìn ha lúa với sản lượng gần 439 nghìn tấn; hơn 7.500 tấn rau các loại; 455 tấn bắp (ngô), khoảng 59 tấn đậu và hơn 10 nghìn tấn trái cây các loại. Tổng sản lượng thịt gia súc cũng đạt 3.165 tấn, thịt gia cầm 821 tấn, trứng gần tám triệu quả. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ Nguyễn Văn Sử, lượng thịt trâu bò chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu toàn thành phố, thịt heo và thịt gia cầm được hơn 70%. Do đó, thành phố sẽ phải nhập thêm sản phẩm gia súc, gia cầm từ các địa phương khác như Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai,...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bao-dam-nguon-hang-hoa-thiet-yeu-656132/