Bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân
Những ngày cận tết Nhâm Dần, trong cái rét đậm tê tái, chúng tôi theo đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đi kiểm tra tình hình lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2021-2022 tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên.
Trong giá rét, mưa phùn; hơi lạnh ngấm sâu vào người, nhưng cán bộ, công nhân Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình vẫn ứng trực tại các cống, công trình thủy lợi để lấy nước phục vụ bà con gieo cấy.
Chia sẻ với chúng tôi ngay trên mặt cống Tân Đệ (huyện Vũ Thư), ông Đỗ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình cho biết: Đợt 2 lấy nước là đợt chính, thời gian kéo dài khoảng 8 ngày nên cán bộ, nhân viên công ty đều phải tập trung lấy nước cho bà con làm đất, gieo cấy. Rồi anh Tùng chỉ tay xuống dòng nước đang đổ vào kênh dẫn, chia sẻ: "Với người làm thủy lợi, nước được đưa vào kênh dẫn, lên đồng ruộng là niềm vui của chúng tôi".
Tới thăm cánh đồng xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, ông Đặng Tất Tuân, nông dân xã Phú Châu cho biết, gia đình ông hiện gieo cấy 12ha. Phần lớn số ruộng này của các hộ khác cho ông mượn gieo cấy. Năm nay, việc đổ ải khá thuận lợi, xả nước của các công trình thủy điện đúng kỳ thủy triều cao. Gia đình ông đã chuẩn bị đầy đủ vật tư nông nghiệp, mạ gieo cấy.
Ông Tuân tranh thủ lấy nước đưa vào ruộng sớm để bảo đảm lịch thời vụ. Vụ vừa rồi, gia đình ông thu hoạch được 70 tấn lúa, với giá bán 8.000 đồng/kg. Trừ chi phí sản xuất, gia đình ông thu lãi khoảng 200-250 triệu đồng. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ông Tuân tự tin về một vụ lúa thắng lợi năm 2022 này.
Qua kiểm tra tại các địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, mục tiêu của đợt 2 là tối thiểu 80% diện tích gieo cấy ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ phải có nước. Do vậy, các địa phương cần tranh thủ đợt 2 để lấy nước tối đa có thể.
Những chân ruộng cao, các địa phương cần tập trung đưa nước lên đổ ải để sản xuất vụ Đông Xuân đạt hiệu quả cao nhất. Với những chân ruộng có sản xuất vụ Đông, các địa phương cần vận động người dân sớm thu hoạch để trong đợt 3 có thể giải quyết dứt điểm việc lấy nước. Bên cạnh đó, thời tiết khu vực dự báo những ngày tới có mưa, điều đó đã tạo điều kiện rất lớn cho các địa phương trong việc lấy nước, tích nước, trữ nước phục vụ đổ ải, gieo cấy.
Để bảo đảm nguồn nước và điện trong các đợt lấy nước, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay: Trước mỗi đợt lấy nước, tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thủy điện thực hiện xả nước trước khoảng 3 ngày, bảo đảm có lượng xả cao nhất khu vực. Tập đoàn chỉ đạo các công ty điện lực bảo đảm đủ vật tư, thiết bị, nhân lực, trực ca để cấp điện tốt nhất cho tất cả các trạm bơm hoạt động hiệu quả. Riêng đối với những trạm bơm dã chiến, tập đoàn cũng chỉ đạo đơn vị điện lực các tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT, công ty thủy lợi bảo đảm việc cung cấp điện.
Cũng theo ông Ngô Sơn Hải, tùy theo tình hình thực tế, ngành nông nghiệp cân đối, tính toán lấy nước bảo đảm phục vụ gieo cấy. Nếu việc lấy nước đạt sớm so với kế hoạch đề ra thì có thể rút thời gian lấy nước. Nguồn nước tiết kiệm được sẽ giúp bảo đảm cho phát triển kinh tế, cấp nước, sản xuất điện cho mùa khô 2022.