Bảo đảm nguồn thực phẩm Tết
Các doanh nghiệp thực phẩm có khả năng tăng sản lượng cung ứng thêm 5% -10% trong trường hợp nhu cầu gia tăng
Sáng 20-11, tại buổi làm việc về công tác chuẩn bị hàng Tết, các doanh nghiệp (DN) và Sở Công Thương TP HCM đã dành toàn bộ thời gian bàn giải pháp tăng nguồn cung thịt heo cùng các loại thịt thay thế.
Không để giá thịt leo thang
Đánh giá tình hình cung ứng mặt hàng lương thực, thực phẩm Tết này tương đối ổn định, ngoại trừ mặt hàng thịt heo đang khó khăn do giá tăng quá cao, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đề nghị các DN bám sát kế hoạch cung ứng đồng thời tính toán lại, nếu có khả năng tăng sản lượng thì đăng ký thêm.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, hiện các DN đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng cung ứng cho thị trường TP, kể cả trong hệ thống phân phối hiện đại lẫn truyền thống. "Với mặt hàng rau củ quả và hoa tươi, Sở Công Thương đang theo dõi sát các trang trại, HTX ở Lâm Đồng, Đồng Tháp… Mặt hàng thịt, trứng gia cầm cũng dồi dào, ổn định. Chỉ có mặt hàng thịt heo là đáng lo ngại" - bà Trang thông tin và cho biết thêm dịch tả heo châu Phi bắt đầu lan rộng ở Việt Nam từ tháng 3-2019. Từ tháng 10 đến nay, TP đã 2 lần điều chỉnh giá thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường. Hiện giá bán hàng bình ổn thị trường các mặt hàng thịt heo hiện ở mức 118.000 đồng/kg thịt đùi, 117.000 đồng/kg thịt vai, 119.000 đồng/thịt cốt lết, 125.000 đồng/kg sườn già, 114.000 đồng/kg chân giò, 117.000 đồng/kg thịt nách, 140.000 đồng/kg thịt nạc (dăm, vai, đùi), 167.000 đồng/kg thịt ba rọi.
Trong buổi làm việc gần đây nhất với các DN, các sở, ngành của TP đã thống nhất từ nay đến Tết nguyên đán sẽ không xét duyệt điều chỉnh giá thịt heo bình ổn thị trường mà trao quyền chủ động cho DN với điều kiện duy nhất là giá bán các loại thịt đăng ký bình ổn phải thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%. "Khảo sát thực tế của TP HCM và báo cáo của DN cho thấy giá thịt heo tăng không phải do khan hiếm hàng nhưng giá vẫn đang tăng. Nếu đến Tết giá thịt heo tiếp tục tăng cao thì không ổn. Chúng tôi rất mong các DN sát cánh cùng TP thực hiện tốt nhiệm vụ bình ổn, bảo đảm nguồn hàng cung ứng ra thị trường và giá cả" - phó giám đốc Sở Công Thương TP nói.
Chủ động nguồn thịt thay thế
Bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung và giá cả thịt heo, Sở Công Thương TP đề nghị các DN chủ động tăng nguồn thịt gà, vịt, bò để bù đắp cho thịt heo. Bên cạnh đó, các siêu thị nên sử dụng nguyên liệu thịt đông lạnh cho các sản phẩm chế biến, sơ chế (như thịt kho trứng, thịt tẩm ướp gia vị sẵn…) để khách hàng mua về dùng ngay hoặc làm chín; từ đó giảm bớt lượng thịt heo tươi sử dụng trong các gia đình. "Chúng tôi đã vận động DN thử dùng thịt gà thay mỡ hoặc thịt ba rọi để gói bánh tét, bánh chưng" - đại diện Sở Công Thương cho hay.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, đánh giá hiện tại thị trường không thiếu thịt heo nhưng giá đã khá cao so với 3-4 tháng trước. "Hiện lượng thịt heo đông lạnh trong các kho tư nhân rất nhiều, một số DN cũng đang tính toán phương án nhập thịt đông lạnh về phân phối nên TP có thể yên tâm về sản lượng, vấn đề quyết định là tâm lý người tiêu dùng có chấp nhận thịt đông lạnh hay không" - bà Phạm Thị Ngọc Hà nói và đề xuất các DN bổ sung mặt hàng thịt gà công nghiệp vào danh sách bình ổn giá để người tiêu dùng sử dụng thay cho thịt heo. Riêng San Hà dự kiến tăng 30% lượng gà công nghiệp vì công ty đang có lượng gà khá lớn.
Đại diện Công ty CP Ba Huân cũng cho biết đã tung ra thị trường các sản phẩm thay thế thịt heo như trứng gà tiềm (có thể thay món thịt kho hột vịt), lạp xưởng gà. Ngoài ra, Ba Huân có thể tăng 5% - 10% sản lượng thịt gà trong trường hợp nhu cầu thị trường tăng. Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình có thể tăng 10%-15% sản lượng thịt gà; Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn bảo đảm cung cấp 250 tấn thịt heo Tết và có thể tăng thêm khoảng 5% - 10%. "Giá heo tăng cao do dịch tả châu Phi phức tạp, các hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn và do bán tiểu ngạch qua Trung Quốc chứ từ khi giá thị trường tăng, người tiêu dùng mua thịt khác thay thế nên nhu cầu thịt heo không tăng" - đại diện công ty cho hay.
Trao đổi thêm với các DN, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho hay mục tiêu của TP khi xây dựng chương trình bình ổn thị trường cách đây 15 năm là để bảo đảm nguồn hàng cho người dân, kiểm soát không để xảy ra tình trạng bị động trong cung ứng. Năm nay, có 38 DN tham gia bình ổn mặt hàng lương thực, thực phẩm. Đây là những DN lớn, chiếm đến trên 50% lượng hàng trên thị trường. Những lúc khó khăn thế này, việc bảo đảm nguồn hàng, giữ cho thị trường không xáo trộn là nhiệm vụ rất quan trọng, nặng nề và có phần thiệt thòi nhưng cũng rất vinh quang của DN.
Hàng Tết tăng 14,6% - 17,3%
Tết này, các DN TP chi 19.027 tỉ đồng để dự trữ hàng, tăng 602 tỉ đồng (3,27%) so với dịp Tết năm ngoái (18.424,8 tỉ đồng), trong đó giá trị nguồn hàng bình ổn thị trường gần 7.245 tỉ đồng.
Lượng hàng chuẩn bị tăng 14,6% - 17,3% so với Tết Kỷ Hợi 2019. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20% - 53,2% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 53,2%), trứng gia cầm (48,6%), thực phẩm chế biến (28,1%), thịt gia súc (21%), dầu ăn (27,5%), gạo (31,5%)...
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/bao-dam-nguon-thuc-pham-tet-20191120212341781.htm