Bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch
Dồn điền đổi thửa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Dồn điền đổi thửa làm tăng diện tích thửa ruộng, tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa.
Dồn điền đổi thửa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Dồn điền đổi thửa làm tăng diện tích thửa ruộng, tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa.
Đây là công việc khó khăn, quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều vướng mắc do tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân, cho nên phải tháo gỡ được các “nút thắt”, tạo được sự đồng thuận cao mới có thể hoàn thành. Nhưng khó chứ không phải không làm được. Thực tế, nhiều địa phương đã làm tốt, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người nông dân. Thế nhưng cũng có nơi rơi vào tình trạng “bế tắc” như ở xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cầm điện thoại “lướt” xem tin tức, lòng không khỏi buồn bực trước thông tin Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố, bắt tạm giam nguyên Bí thư Đảng ủy và nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Xuân (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, anh Định nói chuyện với người bạn ngồi cùng phòng:
- Thời gian qua, tôi nghe thông tin nhiều đồng ruộng ở xã này trở thành cánh đồng hoang do người dân không nhận ruộng sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa. Ruộng không được đưa vào sản xuất, để hoang hóa tới hơn 100 ha, thật là lãng phí. Tôi không hiểu họ tổ chức thực hiện ra sao; bây giờ hai vị đứng đầu xã bị bắt để tiến hành điều tra chắc là đã xảy ra vi phạm rất nghiêm trọng.
- Điều đó phải đợi kết luận của cơ quan điều tra. Nhưng chúng ta có thể thấy rõ, chính quyền và người dân không có sự đồng thuận. Bài học thực tế đã có rồi, quá trình tổ chức thực hiện dồn điền đổi thửa, mọi khúc mắc, kiến nghị cần phải được tháo gỡ thỏa đáng. Bức xúc còn đó thì không thể bỏ qua rồi cứ tiến hành chia ruộng cho người dân được. Về những kiến nghị của bà con xã Phú Xuyên, tôi nghĩ những nơi khác cũng có. Quan trọng là cách giải quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương.
- Ý anh muốn nói rằng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chưa quyết liệt, xử lý không kịp thời, thiếu linh hoạt; đảng viên chưa nêu gương cho quần chúng noi theo; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục bà con?
- Chưa đủ anh ạ. Muốn thuyết phục bà con, muốn triển khai quyết liệt thì phải công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện để tạo sự tin cậy và thống nhất. Mỗi bộ phận được giao nhiệm vụ đều phải bảo đảm nguyên tắc này, nhất là phải có sự bàn bạc thống nhất trong nhân dân. Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc quản lý đất nông nghiệp, trong giao thầu đất công ích ở xã Phú Xuân. Nếu những phần việc này được công khai, minh bạch để người dân được biết, thực hiện quyền giám sát, có tiếng nói phản biện thì chắc chắn sẽ không thể xảy ra sai phạm. Công khai là công bố, phổ biến rộng rãi, làm cho mọi người dân có thể tiếp cận các quyết định của nhà quản lý; minh bạch nghĩa là trong sáng, rõ ràng, không khuất tất. Làm điều đó chính là thực hiện quyền dân chủ của nhân dân; đồng thời cũng là một phương thức kiểm soát quyền lực.
- Đúng như vậy. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ sai phạm nhưng bài học kinh nghiệm trong công tác dồn điền đổi thửa ở xã Phú Xuân thì đã rõ ràng. Mong rằng các địa phương không vấp phải “vết xe đổ” này cậu nhỉ.