Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố 'bất biến' để ứng với 'vạn biến' của tình hình quốc tế
Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố ''bất biến'' để ứng với ''vạn biến'' của tình hình kinh tế quốc tế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định như vậy tại Phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” diễn ra sáng nay (18/9) tại Hà Nội.
Tham gia chủ tọa và điều hành Phiên khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; các Đại sứ, Trưởng đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài...
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, mọi quyết sách của Quốc hội đều phải sát hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế, phải dựa trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học vững chắc.
Các Diễn đàn kinh tế Mùa xuân, Mùa thu Quốc hội khóa XII, XIII và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 của Quốc hội khóa XV là phương thức rất quan trọng để huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các quyết sách của Quốc hội.
Cho rằng thành công của Diễn đàn Kinh tế 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhiều gợi ý chính sách tại Diễn đàn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt, ứng phó kịp thời với bối cảnh, tình hình mới.
Chính nhờ các quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả rất tích cực, quan trọng.
Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, sau khi giảm sâu nhất trong quý III/2021 (âm 6,02%), kể từ khi Việt Nam tính và công bố Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng trưởng từng bước phục hồi từ quý IV/2021 và phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận thấy: "Tình hình kinh tế-xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Vì vậy, việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội còn rất nhiều thách thức.
Việc củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo".
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 sẽ thảo luận kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong năm 2023 và định hướng cho cả nhiệm kỳ 2021-2025.
Cũng tại Diễn đàn, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, ngược dòng thế giới, kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Trong gần 9 tháng qua duy trì được đà tăng trưởng rất khả quan, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát có hiệu quả lạm phát, về cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn và được dự báo có mức tăng trưởng lạc quan trong năm 2022.
Tuy nhiên, hiện tại, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Cụ thể:
Về xuất khẩu, sức ép lạm phát chi phí đẩy có xu hướng giảm nhờ giảm giá dầu thô và giá các đầu vào chiến lược của nền kinh tế, nên giá các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh cao. Mặc dù đạt được kết quả tích cực trong những tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm tốc do suy giảm kinh tế của các đối tác nhập khẩu chính, nhất là ba nền kinh tế lớn là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Về đầu tư, dù chiếm tỷ lệ không quá cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng vốn đầu tư công lại có vai trò rất quan trọng, là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và các dòng vốn đầu tư tư nhân. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tạo ra những hệ lụy dây chuyền, đang ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.
Về tiêu dùng trong nước, đây là động lực có nhiều tiềm năng và đang tỏ ra vững vàng nhất của nền kinh tế Việt Nam.
Cầu nội địa đã phục hồi rất mạnh nhờ việc khắc phục được cơ bản các đứt gãy của nền kinh tế trong nước và nhờ kết quả triển khai gói phục hồi kinh tế-xã hội. Đây là gói kích thích kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mức sống, an sinh xã hội, giữ vững niềm tin.
Trong ngắn hạn, sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành dịch vụ hướng nội (du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, nhất là hàng không…) đang tạo nền tảng tăng trưởng khá vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: "Ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi nhanh chóng là chìa khóa để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục 'lội ngược dòng' thành công và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động".
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 diễn ra cả ngày 18/9, gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên hội thảo chuyên đề.
Trong đó, chuyên đề 1 có chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Chuyên đề 2 tập trung vào chủ đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 thảo luận nhiều vấn đề nóng của nền kinh tế như giảm thuế xăng dầu, hay nhóm vấn đề liên quan đến chính sách Luật Đất đai, chậm giải ngân đầu tư công… Đặc biệt là đánh giá về những kết quả ban đầu về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.