Bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững

Bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng thì sự chủ động, tích cực của người chăn nuôi được xem là yếu tố quyết định thành công trong việc bảo vệ đàn vật nuôi khỏi dịch bệnh và đói, rét, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tết và là tiền đề vững chắc để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Cán bộ thú y xã Y Can, huyện Trấn Yên tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn.

Cán bộ thú y xã Y Can, huyện Trấn Yên tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh cao điểm trong tháng 12 này và tháng 1/2025 có thể gây ra các đợt rét đậm, rét hại; đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía Bắc, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này.

Theo sát dự báo, nắm chắc tình hình, ngay từ đầu tháng 11/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã sớm ban hành công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong vụ đông xuân 2024 - 2025 đồng thời bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đầu đàn, sản lượng năm 2024.

Năm 2024, tuy không xảy ra dịch lớn song ngành chăn nuôi của Yên Bái cũng phải đối mặt với không ít khó khăn do dịch bệnh, nhất là thiên tai. Những tháng giữa năm, người chăn nuôi ở các huyện: Lục Yên, Mù Cang Chải và Trạm Tấu không khỏi thấp thỏm khi dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 92 hộ thuộc 11 thôn, bản của 4 xã trên địa bàn với gần 800 con lợn bị mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy với khối lượng gần 17 tấn.

Cùng đó là bệnh lở mồm long móng xảy ra tại gần 50 hộ của 2 thôn Tống Trong, Tống Ngoài, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu với trên 100 con gia súc mắc bệnh, chủ yếu là trâu, bò. Tiếp đến là những thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 với trên 11 nghìn con gia súc, trên 374 nghìn con gia cầm bị chết và lũ cuốn trôi; hơn 1.000 ha diện tích chăn nuôi thủy sản bị ảnh hưởng ngập lụt và mất trắng… với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Một số địa phương bị thiệt hại nặng như huyện Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái.

Ngành nông nghiệp tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các chi cục, đơn vị chức năng triển khai các biện pháp, giải pháp, hướng dẫn nhân dân khôi phục chăn nuôi, trong đó chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn vật nuôi vụ đông xuân 2024 - 2025. Các lớp tập huấn phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho gia súc đang được cán bộ khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông tỉnh trực tiếp triển khai ở nhiều địa phương. Tại xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, 30 hộ nông dân của xã đã được tập huấn kỹ thuật xử lý môi trường chăn nuôi sau bão lũ và các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi một cách rất cụ thể, trực quan.

Chủ tịch UBND xã Châu Quế Hạ Nguyễn Văn Quang cho biết: "Chăn nuôi đã và đang trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Hiện tổng số đàn gia súc chính của xã có 395 con, trong đó trâu là 285 con, bò là 110 con. Với mục tiêu bảo đảm cho đàn gia súc phát triển tốt, xã chỉ đạo các thôn từ rất sớm sâu sát tuyên truyền, vận động nhân dân bảo đảm nguồn thức ăn, chuồng trại cho gia súc trong mùa đông. Đến nay, toàn xã có 170/173 hộ chăn nuôi đã thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, bảo đảm chuồng trại nuôi nhốt cũng như chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ cho vật nuôi.

Bà con cũng đã trồng được 5 ha ngô thương phẩm, 3,5 ha cỏ, 20 hộ đã triển khai làm cây rơm bảo đảm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết giá rét. Cùng với đó, xã thực hiện tiêm 350 liều vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tiến hành phun tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi bảo đảm môi trường an toàn để tái đàn và nhân đàn”.

Xác định kiểm soát dịch bệnh trên động vật là việc then chốt để bảo vệ thành quả của người chăn nuôi và là yếu tố quan trọng để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường vào những tháng cuối năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chủ động đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, trong năm, Chi cục đã mua và cấp cho các huyện, thị xã, thành phố gần 79.000 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng và trên 6.900 lít thuốc sát trùng phun tiêu độc khử trùng phòng bệnh cúm gia cầm đợt 1 năm 2024.

Tính đến tháng 11/2024, các địa phương trong tỉnh đã triển khai tiêm phòng được trên 436.000 liều vắc xin các loại. Trong đó, tụ huyết trùng cho trâu, bò trên 37.000 liều; tụ huyết trùng lợn 108.626 liều; dịch tả lợn trên 113.800 liều; phó thương hàn lợn trên 79.000 liều; lở mồm long móng trên 43.700 liều.

Tại các ổ dịch, Chi cục đã cấp cho các huyện: Trạm Tấu, Lục Yên, Mù Cang Chải gần 200 lít thuốc sát trùng, 5.500 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng.

Theo đó, các địa phương đã thực hiện tiêm bao vây chống dịch được 3.820 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng và trên 600 liều vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi; kịp thời khống chế, không để phát sinh thêm gia súc mắc bệnh, bảo đảm cho đàn gia súc trên địa bàn phát triển tốt. Cùng với đó, Chi cục chú trọng tăng cường hoạt động kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Trong đó, đã thực hiện kiểm dịch vận chuyển được trên 3.200 chuyến, trên 1.034.000 con động vật và 123 chuyến sản phẩm động vật; kiểm tra, kiểm soát động vật nhập vào địa bàn tỉnh được 220 chuyến, trên 789.000 con động vật.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đàm Duy Đức: "Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai nhưng đàn gia súc chính trên địa bàn tỉnh hiện đã tăng 18.000 con, đàn gia cầm tăng trên 299.000 con. Đàn gia súc, gia cầm tăng do các địa phương tập trung tái đàn sau bão lũ mà Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh cùng với nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia thực sự được xem như là "đòn bẩy” thúc đẩy ngành chăn nuôi ở các địa phương phát triển, tạo đà tái đàn phục hồi chăn nuôi sau bão lũ, phục vụ nhu cầu thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán sắp tới”.

Bởi thế, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại năm 2024 dự ước đạt 101,2% kế hoạch và ước đạt 107,8% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính ước đạt 102,4% kế hoạch, tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, nhu cầu thực phẩm từ nay đến cuối năm sẽ tăng, nhiều hộ chăn nuôi đang tập trung tái đàn và nâng số lượng đàn vật nuôi. Chính vì vậy, để ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm dịp cuối năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, nhất là sửa chữa chuồng trại bảo đảm đủ ấm cho đàn gia súc; dự trữ thức ăn; tiêm phòng để đề phòng dịch bệnh phát sinh. Việc tiêm phòng vắc xin sẽ giúp bảo hộ đàn gia súc, gia cầm và duy trì mức kháng thể bảo hộ thường xuyên để phòng bệnh, giảm tối đa thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách do dịch bệnh gây ra.

Tính đến tháng 11/2024, các địa phương trong tỉnh đã triển khai tiêm phòng được trên 436.000 liều vắc xin các loại cho đàn gia súc, vật nuôi. Trong đó, tụ huyết trùng cho trâu, bò trên 37.000 liều; tụ huyết trùng lợn 108.626 liều; dịch tả lợn trên 113.800 liều; phó thương hàn lợn trên 79.000 liều; lở mồm long móng trên 43.700 liều.

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng thì sự chủ động, tích cực của người chăn nuôi được xem là yếu tố quyết định thành công trong việc bảo vệ đàn vật nuôi khỏi dịch bệnh và đói, rét, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tết và là tiền đề vững chắc để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Theo số liệu thống kê, tổng đàn gia súc chính trên địa bàn toàn tỉnh đến nay ước đạt 883.410 con, đạt 101,3% kế hoạch, trong đó đàn trâu có 101.970 con, đàn bò là 44.475 con, đàn lợn trên 736.960 con; tổng đàn gia cầm ước đạt trên 7,8 triệu con, đạt 103% kế hoạch.

Minh Thúy

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/343240/bao-dam-phat-trien-chan-nuoi-ben-vung.aspx